Sau khi xe ngựa chạy đi, Phan Tuấn dẫn hai người đi qua tòa lầu
ấy, tòa lầu này được xây vào triều Minh, bên trên có Phật lâu, thờ
phụng các vị thần phật, bên dưới là một con kênh lớn, đầu ben kia cầu
là vách núi, trên vách núi có một con đường sạn đạo không rộng cũng
không hẹp.
Phan Tuấn vừa đi vừa đưa mắt nhìn quanh, họ đi qua cầu tiến vào
sạn đạo. Trên sạn đạo mọc đầy rêu ẩm ướt, xem chừng nơi đây ít
người lai vãng. Sạn đạo ở phía trước vách núi chỉ dài chừng trăm mét,
đi hết là vòng qua phía sau núi, nhìn từ phía trước cả ngọn núi này
trông hoang vắng tiêu điều, nhưng vòng qua thì lại đúng là “liễu rủ
hoa cười lại gặp làng”. Từ trên sạn đạo đã có thể trông thấy phía cuối
con đường có một trang viện lớn nằm giữa rừng cây rậm rạp.
“Thật không ngờ, phía sau lại có cảnh trí như vậy!” Tý Ngọ kinh
ngạc, Phan Tuấn không nói gì, nhưng đã rảo nhanh bước chân tiến lên.
Không chỉ Tý Ngọ, Âu Dương Yến Vân cũng đã ngây cả người
ra, cô từ nhỏ chỉ sống ở Tân Cương, gần đây mới theo ông nội tới
Trung Nguyên, kiến thức vốn đã ít, huống hồ cảnh tượng trước mặt lại
còn là một kì quan hiếm có.
Sạn đạo quanh co khúc khuỷu, tuy rằng trang viện kia ở ngay
trước mắt, nhưng từ sạn đạo đến đó lại phải đi mất ba dặm đường,
thêm nữa con đường càng lúc càng hẹp, lại rất trơn trượt, hơi bất cẩn
một chút là rơi xuống đáy sơn cốc ngay.
Nửa canh giờ sau, ba người mới đến cửa tòa trang viện, chỉ thấy
hai bên cổng lớn màu đỏ có hai con sư tử đá khổng lồ, trên cửa treo
một tấm biển đỏ chói, đề: Phủ Song Cáp.
Phan Tuấn đi lên trước, gõ nhẹ mấy cái vào cánh cổng rồi lùi lại,
Tý Ngọ thì thầm bên tai anh: “Tiểu sư thúc, đây đúng là một mảnh đất
báu phong thủy đấy!”
Phan Tuấn chỉ cười cười. Tý Ngọ lại lẩm bẩm: “Tên cũng hay
nữa, phủ Song Cáp.” Tới đây, anh ta chợt ngây người, sau đó nghi