Trắc thắp thêm một tuần hương nữa, rồi vái lạy ra về. Con hổ vẫn nằm
ôm lấy ngôi mộ, không chị rời. Trắc vỗ vỗ vào lưng nó, giục:
"Nào "mèo xù" của ta, mi nhớ Lạc tướng không nỡ rời à?"
Con hổ ngước nhìn Trắc, nhìn xoáy như đôi mắt người. À, phải rồi!
Trắc nhớ lại, lần cuối cùng Lạc tướng gặp Trắc và con hổ, người đã dặn, hổ
là loài chúa sơn lâm, nuôi nó trong nhà chẳng khác nào tước mất cuộc sống
của nó, hãy thả nó về rừng. Sau đó phần vì không muốn rời xa con thú đáng
yêu, phần vì mải học hành, Trắc đã xếp lời dặn của cha lại, lần lữa rồi quên
khuấy đi. Bây giờ Trắc mới hiểu cái nhìn của cha khi người không thể nán
lại, cha nhắc hãy trả lại cuộc sống thực cho con hổ.
Trắc lẩm nhẩm nói cùng cha, cha ơi con sẽ thả con "mèo xù" ngay bây
giờ. Trắc cúi xuống, ghé vào tai con hổ, thầm thào:
"Nào hãy đứng dậy, ta theo lời dặn của Lạc tướng, trả đại ngàn lại cho
mi!"
Con hổ như có linh tính, nghe được tiếng Trắc, đứng dậy, dụi mặt vào
lòng Trắc, mắt ứa ra một giọt nước to.
Trắc đưa con hổ đến bên cửa rừng, hai tay vỗ vào đầu và lưng nó, nói:
"Đây là cửa rừng, từ cửa rừng đi vào sâu vào nữa là đại ngàn của mi.
Từ bé đến giờ mi sống cùng ta, được chăm bẵm, nuôi nấng như con vật
trong nhà, sương không đến mặt, nắng không đến đầu, mi trông phổng phao
mà gân cốt yếu ớt, dáng đẹp mà ẻo lả. Bây giờ ta thả mi ra, đi vào đại ngàn,
một thân một mình làm sao mà chống chọi với các loài thú khác, ngay cả
đồng loại của mi chưa chắc đã chấp nhận mi, trên thân mình mi vẫn còn
thấm đẫm mùi người. Ta lo cho mi lắm!"
Con hổ ngước nhìn Trắc, rên gừ gừ. Trắc xoa đầu nó, lại nói: