"Có khi nào Trắc nghĩ sẽ dựng lại thành này không?"
Trắc ngẫm nghĩ một lát, đáp:
"Trắc sẽ dựng lại thành này, khi có thể."
Sau đó bọn Trắc xuống núi đi vào vòng thành trong. Những vòng
thành trong hình dáng uốn lượn vô thường, cửa thành cũng được đặt không
theo một lối nhất định, bị đập phá lỗ mỗ nhiều chỗ. Riêng vòng thành trong
cùng không bị đập phá, phía trước cổng thành có một tấm bia đá ghi bút
tích của Triệu Vương: "Tưởng nhớ vạn quân sĩ hy sinh phá ốc thành." Trắc
đọc và hiểu rằng để phá được thành ốc này, Triệu Đà đã mất hàng vạn binh
sĩ.
Chiều muộn, bọn Trắc quyết định nghỉ lại ở thành ốc, trong một xóm
dân bản địa, gần chân núi Thất Diệu.
Xóm ấy có một ngôi giếng to ở giữa, bên giếng là một cây đa lớn,
những chùm rễ buông tỏa, trùm kín cả một khu vực, khiến dân chúng nhìn
cây đa như nhìn một cụ già không đếm nổi tuổi với lòng kính cẩn vô hạn.
Buổi chiều người trong xóm ra giếng kín nước, giặt rũ, tắm táp, cười nói
hồn nhiên, dường như mọi mệt nhọc, lo lắng, mọi phiền muộn uất ức, cả
nỗi căm hận và lòng thương hại đều được gột rửa hết, chỉ còn lại sự an
bình, niềm vui và tình thân mến. Trắc thấy lòng thư thái, bèn rủ Măng cùng
tắm.
Măng là một chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ, người con gái nào nhìn
thấy cũng thích. Dĩ nhiên là Trắc thích Măng. Trắc thích bàn tay Măng cầm
gầu tin cậy giội nước, tự tay Măng vò tóc và chải tóc cho Trắc. Những lúc
làm những việc như thế, Trắc nghe rõ tiếng thở mạnh, dồn dập của Măng,
nghe rõ tiếng gọi của đại ngàn, của gió bão, của lũ lụt, của đêm tối và ánh
sáng.