vớ được cái xác voi chết, đôi ngà dài hơn ba gang. Bác vác ngà về gọt cán
dao cho con nuôi, chạm cả lá cờ có ngôi sao vào đấy.
Đàn vượn trắng trong hang chui ra, nhấm nháy dòm bác, rồi vọt lên
cây hú gọi nhau dồn dập. Bụi phấn bay lả tả trên lá. Gãi lông một lúc,
chúng đen dần. Bác Cống để cho vượn vào ngủ hang tự nhiên. Đôi gấu nâu
cũng kéo đến. Hôm đầu gấu còn làm dữ, đứng dựng hai chân xù lông hét
inh. Không thấy ông cụ kia tranh ăn hạt dẻ, gấu làm lành. Đôi bên quen
nhau. Gấu liếc mắt nhìn người, gãi mõm ra dáng xin lỗi, rồi bám gốc trèo
lên cây. Thỉnh thoảng chúng ngừng nhai, gật gù. Bên dưới, bác Cống ngồi
gọt ngà voi cũng gật gù cái núm tóc củ tỏi, theo đà nghĩ ngợi.
Thoạt nhìn ông lão mới bốn mươi bảy mà còm cõi như ngoài sáu mươi
ấy, không ai đoán là tay trinh sát vững kiêm dân vận cừ. Bác Cống quanh
năm mặc quần cộc phơi cặp chân đầy lông, nhưng áo sơ mi luôn luôn cài
cúc tay và nhét trong quần cộc cẩn thận. Kè kè cái bọc "tạp hóa" gói trong
phạ phe đeo lưng, từ cái bấc bật lửa đến cái kéo cắt tóc, sợi dây trói tù binh
đều có đủ. Ai xin gì bác sẵn lòng cho, nhưng tay đưa mà miệng căn dặn đến
phát ngấy với cái câu kề cà: "Ấy tức thị rằng là...". Người chậm, yếu,
nhưng lĩnh việc gì cứ nhẩn nha làm kỳ xong, chắc như cua gạch.
Ngày mới gặp Khiêm, bác không ưa cái thằng nom như con gái mà lêu
têu nghịch quấy, trẻ chẳng tha già chẳng thương. Tổ Đảng giao cho bác đào
tạo Khiêm thành trinh sát. Bác dạy một nó làm được hai ba, chỉ hơn tháng
đã tuồn vào đồn như con chạch, bác cứ phải nắm cẳng kéo lại. Đến cái đêm
bác sốt thương hàn, nó cầm đuốc lấy thuốc cho bác, thì bác đâm phải lòng
đứa con nuôi nhận đùa mà thương thật. Nó khổ mồ côi, đầu không chằng
đít không rễ. Bác chắt chiu để dành được hai trăm Đông Dương, định tổ
chức cho nó cưới cái Soan xong bác hẵng về hậu phương mà tăng gia, nộp
thuế nông nghiệp nuôi đồng đội.
Về hậu phương...