"Các ngươi chớ vội tin lời ta nói, chớ vội tin các tục lệ vì lẽ đã được
nhiều đời truyền lại, chớ vội tin một câu chuyện vì lẽ nhiều người cùng nói,
chớ vội tin kinh sách vì lẽ một bậc thánh hiền đã viết ra nó, chớ vội tin
những điều phỏng đoán, chớ vội tin một lời dạy bảo vì lẽ nó là của thầy hay
anh thốt ra. Các ngươi hãy tự xem xét và chiêm nghiệm lấy, nếu thấy học
thuyết nào hợp với Chính nghĩa và đem lợi ích đến cho mọi người thì các
ngươi hãy công nhận học thuyết đó và đeo đuổi theo nó đến cùng".
Văn Thon thuộc lòng lời dạy ấy trong kinh Agútura Nicaya. Anh tự
xem xét và chiêm nghiệm để tìm ra lẽ phải, để hiểu cuộc đời.
Bên ngoài cửa chùa, cuộc đời vẫn chảy tuôn tuôn như nước sông lớn
Nậm Khoỏng. Làng xóm mỗi năm một lụi dần, nghèo dần. Vì sao? Binh
lính kéo nhau dàn ra dọc bờ sông, bắn súng to sang bên Thái Lan, rồi máy
bay bên Thái Lan đến giội bom xuống nhà dân, giết từ con gà mái ấp đến
đứa trẻ trong nôi. Vì sao? Những kẻ ác như quan đồn Tây, như lão chầu
mường kia cứ ngày càng béo núc ních, bước lên chùa oặt cả cầu thang, tay
dâng lễ mà óc nghĩ điều tàn bạo, chúng nó vẫn nhởn nhơ ăn lộc Phật. Vì
sao? Vì sao? Vì sao?
Văn Thon suy nghĩ, đau khổ, dằn vặt. Nhiều lúc, anh muốn noi gương
đức Đạt ma ngồi ngoảnh mặt vào tường luôn chín năm mà nhập định, quên
hết chuyện đời. Nhưng không được, Văn Thon vẫn bị kéo về chốn trần tục.
Tim anh vẫn nóng hổi dưới tà áo vàng, lòng anh rung theo mọi nỗi vui buồn
sướng khổ của người đời. Ông a chan trẻ tuổi vẫn là người Lào mất cha
trong một vụ đòi giảm sưu thuế, mất mẹ vì nạn đói dai dẳng. Nghĩ đến
những sự đền bù hay trừng phạt ở kiếp sau, Văn Thon chỉ tìm thấy một chút
an ủi rất mong manh. Văn Thon chỉ đòi ít nhiều công bằng ở kiếp này thôi,
chỉ muốn cho dân làng đỡ khổ mà không được.
Văn Thon tự hỏi: dân làng có khổ thật hay không?