quyền, về quan hệ Lào-Việt, rồi bao nhiêu là đường lối, phương châm,
phương thức, chính sách... học đến mụ người vẫn cứ vấp. Kể ra cũng có đôi
điều dễ nhớ. Rằng tiêu chuẩn cung cấp đã nằm lại bên Việt Nam, sang đây
không lo cày ruộng phát nương thì xin cứ vui lòng ăn măng. Rằng lạc rừng
là một sự tối ư nguy hiểm, vì Đại đã một lần rời lán đi ngoài, bị lạc luôn ba
ngày đói meo.
Lương và Cống về rồi, Đại vẫn ngồi trên tảng đá. Tay lau khẩu K50,
miệng lẩm nhẩm mấy câu tiếng Lào mới học: "Tha hản Itxala... bộ đội Giải
phóng. Thang ni pây xẩy... đường này đi đâu". Lương dạy tiếng Lào cho
Đại, Khiêm, Chánh. Đại không chịu học, bị tổ Đảng đập cho một trận về
tinh thần quốc tế. Đến khiếp cái anh một mắt...
- Tha hản hâu xỉa chắc khôn? Bộ đội ta mất mấy người... Tha hản
hâu... xỉa... chắc khôn...
Đại chợt nhớ đến cuộc tranh cãi vừa rồi. Có biến dọc đường, phải bảo
vệ Văn Thon. Còn Lương? Vết chó cắn trên chân Lương bắt đầu sưng tấy.
Anh đi hơi nhúc nhắc. Tám ngày leo núi... Đại bỗng cồn cào cả ruột. Đại
vừa tức, vừa phục, vừa thương con người khắc khổ ấy.
***
- Huýt huy... huýt huy...
Tiếng huýt sáo bắt chước chim hót từ một ngách hang đá vọng đến.
Bác Cống nhếch mép cười, nhận ra ám hiệu riêng của bố con bác gọi nhau.
Bác đi vòng cái cột đá, chui ra phía "cửa sau". Tiểu đội phó Khiêm, đứa
con nuôi đẹp trai mà bất trị của bác, đứng đợi sẵn đấy. Khiêm lúng búng
nói gì, rồi kéo tuột bác ra một góc suối vắng.
- Con chó béo lắm, bố ạ.
- Cái gì?