"Đó, tay đó đá bóng coi khá vậy mà học đúp đó mày!" hoặc "Ối! Đdá bóng thì chạy như ngựa
mà học hành chậm như rùa!" Mặc dù đã xác định học tập là thứ yếu nhưng khi tưởng tượng
những người khác đang dè bỉu, khinh khi mình, thằng Tân cũng cảm thấy mắc cỡ ghê gớm.
Thế là tự nhiên nó chú tâm đến bài vở hơn trước.
Cái động lực thứ hai giúp cho nó đủ điểm lên lớp năm trong năm học vừa rồi là ba nó. Buồn
phiền vì đứa con của mình đã học đúp một năm mà năm nay lại vẫn tiếp tục ì ạch ở cái thứ
hạng 45 trên 50 học sinh, ba nó quyết tâm kiểm tra chặt chẽ việc học tập của nó. Ngay ngày
đầu tiên bắt tay vô việc kèm cặp thằng Tân, ba nó cực kỳ kinh ngạc trước sự mất căn bản
của nó.
- Trời ơi, trước giờ mày học hành vầy đây hả, con ơi!
Ba nó than một câu thống thiết và hiểu ra cái thiếu sót lớn nhứt của mình từ trước đến nay
là không hề quan tâm đến việc học hành của thằng con, đồng thời ông cũng phát hiện ra là
thằng con cũng chẳng hề quan tâm gì đến việc học của nó, hệt như mình.
Thật vậy, học tới lớp bốn rồi mà thằng Tân chỉ thuộc mỗi cửu chương hai . Khi ba nó hỏi:
- Ba lần bốn là mấy ?
Tân trả lời tỉnh bơ:
- Mười lăm.
- Vậy thì ba lần năm là mấy ?
- Mười tám.
Tân lại trả lời ngay, không ngập ngừng. Cái đặc biệt "hơn người" của nó là ở chỗ đó. Mặc dù
mù tịt về những điều ba nó hỏi, nó không hề ấp úng chần chừ để suy nghĩ mà lập tức trả lời
một cách nhanh nhẹn quả quyết, y như nó đã nói là không bao giờ sai . Và nếu có sai thì lỗi
không phải là tại nó. Nhưng cái "đức tính" quý báu đó không giúp ích được gì cho nó bởi ba
nó vẫn giữ nguyên những nhận xét không tốt đẹp gì về trình độ học vấn của con mình.