Trọng Khang bực mình đứng phắt dậy, lấy tay đẩy ông Phó xuống bếp:
- Lúc này chỉ còn thiếu có cái nước mắt nữa thôi. Tôi không cần ai phải
buồn cho tôi cả. Mai cuốn gói về quê đi, tôi không chịu được cái nét mặt
sầu thảm của ông đâu.
- Ông ta trung thành với anh như thế, sao anh cũng bực?
- Chỉ bực về chỗ quá trung thành ấy. Lại càng bực hơn khi biết rằng lòng
y tốt như thế mà mình ở vào một cảnh ngộ không có cái gì để đền bù lại.
- Ồ, tấm lòng tốt thì còn cái gì đền bù được. Và tôi chắc một người như
ông ta thấy anh gặp cảnh này, còn đau đớn hơn anh, bởi vì tôi xem cách
thức ông ta đối xử với anh thì thật là khăng khít hơn da với thịt.
- Có thế, mà tôi cũng không hiểu tại làm sao. Lắm lúc tôi thấy ông ta già
tôi không muốn cho ông ta hầu hạ. Nhưng ông ta hình như lấy sự chăm
nom nâng giấc tôi làm lẽ sống của ông ta vậy.
Ngừng một lát, đôi con mắt lờ đờ như nhìn về một quá khứ nào, Trọng
Khang tiếp:
- Thầy mẹ tôi lấy vợ cho ông ta, lại chạy luôn cho chức phó lý. Ở nhà
quê, thế là có một địa vị rồi đấy. Cấy dăm sáu mẫu ruộng, con trai hiện nay
lại làm chưởng bạ, kể thì đời ông ta cũng sung túc an nhàn. Nhưng ông ta
lại không chịu ở nhà quê. Làm phó lý một năm, ông ta thấy buồn nản xin từ
dịch để ra hầu hạ thầy mẹ tôi. Thầy tôi thấy thế quát tháo ầm ĩ và đuổi về.
Ông ta khóc mà về, nhưng được nửa tháng lại bò ra, nói rằng nhớ thầy mẹ
tôi và chúng tôi lắm, không thể ở nhà quê được. Lúc còn mồ ma thầy mẹ
tôi, ông ta phải ở gần thầy mẹ tôi thì mới thấy vui. Thầy mẹ tôi mất đi, ông
ta phải ở với chúng tôi. Ấy bây giờ, giá tôi đuổi về, nhất định ông ta cũng
không về nhà quê đâu. Thế nào ông ta cũng lại lần về Hà Nội ở với em gái
tôi.