- Ấy thế cho nên tôi mới dặn ông và cô phải nghe lời tôi. Bất cứ họ làm
thế nào cũng cứ thản nhiên, để mặc tôi đối phó. Giá dụ nếu cụ ở nhà có vì
thương cô Khánh Ngọc mà bỏ ngay số tiền ấy sau này, ta cũng có thể xin
bồi thường ở Chính phủ Tàu được. Tôi chắc rằng họ cũng đã dò biết tung
tích của mình rồi, nói dối rằng cô không phải là con gái cụ cũng không
được nữa. Mà chỉ thêm hại cho mình. Làm sao cho chúng nó tin rằng: vì
chúng ta nghèo, nên mới phải lăn lộn sang tận bên này làm ăn. Thế thì mọi
việc trôi chảy cả. Chúng nó láo xược, ta phải phản đối ngay. Làm sao cho
chúng nó không dám quá tay. Tôi ở vùng này đã lâu, được mục kích nhiều
vụ bắt cóc, chỉ là già nắn rắn buông cả đấy thôi.
Vì bị bịt mắt, nên Trọng Khang cũng chẳng biết bọn giặc dắt mình qua
những đường nào. Nhưng cứ nghe móng ngựa nện xuống đá, và xem con
ngựa lắc lên, lắc xuống, chàng cũng đồ chừng rằng mình đi qua nhiều
đường núi.
Đi chừng năm giờ đồng hồ thì cả đoàn dừng lại. Đi bộ độ một quãng dài
thì nghe có tiếng cửa mở. Rồi khi có người đến cởi trói và cởi mảnh vải
buộc mắt, ba người thấy mình ở trong một cái hang đá nhỏ tối om, chỉ lắt
léo có một ngọn đèn dầu cá treo ở tường.
Trọng Khang xoa mắt, rồi vỗ lên vai Giáp lúc ấy, đang ngơ ngác nhìn sự
chật hẹp và bẩn thỉu của cái nhà giam!
- Lâu đài của mình đấy!
- Bị giam ở đây lâu thì chết chứ sống làm sao được. Nằm ở đâu?
Trọng Khang trỏ đống cỏ tranh lù lù ở một góc:
- Tãi cái này ra mặt đá mà nằm, chứ còn nằm ở đâu nữa. Ông mệt muốn
nằm à?
- Không. Thế họ không cho mình giường phản gì à?