thường cưỡi ngựa đi rong chơi ở Phố Lu. Ông bố hình như cũng chiều con
lắm, và cách ăn ở có lẽ Tây lắm, nên mới để cho tự do như thế. Lão đội
kiểm lâm làm với tôi hôm vừa rồi, cũng kiếm gần được trăm bạc, trong khi
đánh mối bán cho họ ba con ngựa. Con nào cũng hơn trăm, nhưng xoàng
cả. Giá con ngựa ô của anh thì mấy trăm họ cũng mua.
Sáng hôm sau, Trọng Khang ra đứng ở cửa nhìn ông Phó đóng ngựa cho
mình để lại thăm. Khôi thì thấy một người con gái ăn mặc quần áo cưỡi
ngựa, chân đi giầy ủng, lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ, tay ve vẩy một
chiếc roi ngựa bằng sừng hiện từ phía chợ đi lại.
Người con gái ấy trạc hai mươi hai, hai mươi ba, cắt tóc ngắn theo lối
đầm, trang điểm một cách rất Tây phương. Cách đi đứng tỏ ra một người
bạo dạn. Trọng Khang đoán ngay là con gái ông chủ thầu.
Trong khi Trọng Khang nhìn nàng, thì nàng nhìn con ngựa. Rồi nàng
quay lại nói với tên người nhà đi theo sau:
- Con ngựa đẹp quá mà cao quá nhỉ!
Nàng rảo cẳng đến trước mặt Trọng Khang hỏi bằng tiếng Pháp:
- Con ngựa này của ngài đấy ư? Ngài có thể cho phép tôi được xem một
tí không?
Vụt Trọng Khang thấy bực tức, bực tức về chỗ một người đồng loại nói
với một người đồng loại mà lại không dùng tiếng mẹ đẻ, hơn nữa cái người
nói ấy lại là một người đàn bà. Chàng tự nhủ: ngữ này có lấy chồng cũng
chẳng qua là để hưởng khoái lạc, chớ không phải là để làm vợ, làm mẹ. Tuy
lòng chàng khó chịu như thế, nhưng sức đẹp vốn có cái sức mạnh bắt buộc
người ta phải lịch sự. Trọng Khang cũng trả lời một cách rất lễ phép, song
bằng tiếng ta. Đó cũng là một cách phản đối, nhưng cái lối phản đối ấy
người con gái không để ý đến: