Phàm là những người các nơi đến Cầu Ô đều có vẻ ngoài buồn thảm. Họ tỏ
ra thương tâm, không còn tự chủ. Họ đến còn chưa biết nơi này, vẫn lẫn lộn
tên gọi. Trước mắt họ nơi này là vùng hoang dã, trai gái ăn uống chưa được
thuần hoá. Họ có thể đóng cửa không ra ngoài, hoặc vênh vang tự đắc. Họ,
hoặc kiêu căng, hoặc chán nản, tất cả đều là xốc nổi, nông cạn. Với họ, để
hiểu Cầu Ô không đơn giản, cần có thời gian, đến lúc ấy họ không kịp cảm
kích. Những ngày đầu, Cầu Ô chấp nhận sự nông cạn của họ, họ cho Cầu Ô
chất phác trì độn, thật ra đó là sự độ lượng đúng đắn, người lớn không chấp
nhặt trẻ con. Người từ nơi khác đến là một cảnh sắc của Cầu Ô, bất cứ năm
nào, tháng nào cũng có một đôi người khách lạ đi qua phố Cầu Ô. Về cuối
năm, thế giới bên ngoài hình như đang đấu đá đọ sức, người thua dạt đến
đây, đến những nơi như Cầu Ô. Người Cầu Ô nhìn người ngoài rất tự nhiên,
không kinh ngạc cũng không kỳ quái. Bề ngoài tưởng không hiểu, nhưng kỳ
thực rất hiểu. Áo quần của người ngoài là xiêm y lộng lẫy, như ráng chiều
nơi chân trời, bên trong áo quần đẹp đẽ kia là chút ánh sáng sắp tắt lúc
hoàng hôn, chỉ trong giây lát là chìm đắm, tối tăm. Người ngoài đi thuyền
tới đây tưởng như đến bên lề của thế giới, cái thế giới làm họ vừa giận vừa
yêu, không giành được mà cũng không nỡ bỏ, khó khăn vạn phần. Họ bị nỗi
khổ ly biệt che mắt, buông theo dòng nước chín khúc mười tám đoạn,
không biết những gì đang chờ ở phía trước.
Cầu Ô là mẹ của mẹ, bởi chúng ta cách một tầng người thân, cho nên ta
nhìn chúng rất xa lạ. Bởi có thêm một tầng huyết thống hỗn tạp, chúng ta lại
có diện mạo không giống nó, xa lạ hơn cả người xa lạ. Kỳ thực chúng ta
đều ở đấy mà ra, cầu ở Cầu Ô là cầu của bà ngoại. Đó là nguyên nhân
không mất gốc của người ngoài. Người ngoài dù có đi trăm ngả đều có thể
tìm lại nơi này. Mỗi người ngoài đều có một Cầu Ô. Nó là đời gần nhất của
tổ tiên chúng ta, người bình thường trong chúng ta đều có được một cách dễ
dàng. Nó không phải là cờ xí bay bay trong tiết Thanh minh, đàng hoàng
nghiêm chỉnh, nhưng nó là gạo xay thành bột, nhào thành bánh, nhuộm
bằng lá, lặng lẽ không lời, tế lễ cầu xin ấm no. Nó là người thân làm nhiều,
nói ít. Trong món thịt muối ngày Tết có nó vẫy gọi; hơi ấm trong lò sưởi có