bà ngoại trả lời rành rọt. Thuyền quay mũi giữa dòng nước như trở về. Bà
bảo đã đến, thuyền cắm sào, tròng trành một lúc rồi đứng yên bên bờ. Bà
ngoại đưa Kỳ Dao ra khỏi khoang thuyền, bên ngoài trời vẫn nắng làm Kỳ
Dao phải nheo mắt. Bà vịn vào người lái thuyền để bước lên bờ, tay vẫn
cầm lồng ấp, đứng một lúc, kể chuyện ngày bà về nhà chồng ở Tô Châu:
cửa sổ các nhà bên bờ sông đều mở, hàng phố thò đầu ra nhìn, hòm đồ của
cô dâu đưa trước lên thuyền, sau đó là kiệu hoa, hoa chi tử nở trắng như
tuyết, chỉ một mình bà là đỏ toàn thân, lá trên cành xanh ngắt, nước sông
xanh biếc, chỉ có bà là đỏ, ngói trên mái nhà màu đen, trụ cầu đen, chỉ một
bà là đỏ. Đó là màu đỏ thoáng hiện trong thế giới cổ xưa bất biến, nổi bật
trên nền cổ xưa nay trở lại, tuần hoàn không ngừng, góp thêm viên gạch,
viên ngói cho cổ xưa, như kỹ xảo điểm tô màu sắc.
3. Cậu Hai
Đến Cầu Ô, Kỳ Dao ở nhà ông cậu. Ông cậu mở cửa hàng bán tương, tương
và đậu phụ của ông rất nổi tiếng. Hàng ngày, có người đưa đậu phụ đến cho
cửa hàng. Ông chủ xưởng đậu phụ có hai cậu con trai, cậu Cả đã lấy vợ có
con, cậu Hai đi học ở Côn Sơn, đang định thi vào trường sư phạm ở Thượng
Hải hoặc Nam Kinh, nhưng thời cuộc rối ren, lại thôi. Cậu Hai diện theo
mốt cũ, kính trắng, tóc chải ngôi giữa, áo cổ học sinh, khăn quàng màu nâu.
Con gái vùng Cầu Ô không lọt được vào mắt cậu, cậu cũng chẳng làm bạn
với cánh con trai ở phố này, chỉ ở nhà đọc sách. Có lúc ông bố sai đi đưa
đậu phụ thì mặt xị xuống, bực bội. Những đêm trăng, lại thấy bóng cậu một
mình. Cậu Hai cũng là một cảnh của Cầu Ô, bảo rằng không gắn gì với nơi
này, nhưng thật ra gắn bó lắm. Là người cô độc ở Cầu Ô. Cầu Ô thời nào
cũng có kẻ cô độc như thế, thời này đến lượt cậu Hai. Cảnh này như bọt
nước trên sông, nước vẫn chảy mà bọt thì nay có, mai không. Cậu Hai có
nước da trắng trẻo, tay chân mảnh khảnh, nói năng khẽ khàng, bước đi nhẹ
nhàng. Nếu cậu không phải là người con trai như thế thì cả nhà không khỏi
ghét cậu; người Cầu Ô xem cậu như trò cười, cậu giống như kẻ cô đơn trên