những cảnh tốt đẹp không còn trở lại. Còn câu: Lệ dàn mặt ngọc lưu thưa/
Cành lê hoa trĩu hạt mưa xuân đầu...[5] trích trong bài Trường hận ca, nàng
Dương Quý Phi sắc nước hương trời, linh hồn phiêu bạt nơi tiên cảnh. Bất
giác cậu Hai buồn hơn, cậu nghĩ đến những bức tranh người đẹp đều là
người đẹp bất hạnh, đúng như câu nói hồng nhan bạc mệnh. Chỉ có bức
tranh Đào tươi mơn mởn/ ngời ngời sắc hoa... trong Kinh thi là vui, thế
nhưng, sau một loạt bức tranh buồn, thì cảnh hoa đào mơn mởn kia lại ẩn
chứa hiểm hoạ chẳng lành. Lòng cậu Hai lắng xuống, cậu nghĩ, lẽ nào đây
là lời dự báo? Cậu trông thấy trên thân hình người con gái Thượng Hải này
đầy những bất hạnh. Nhưng là bất hạnh đẹp, với thế chim sa cá lặn, cậu Hai
cố vươn lên trước.
[2] Theo bản dịch thơ của Trúc Khê - ND
[3] Theo bản dịch thơ của Trúc Khê - ND
[4] Theo các bản dịch thơ của Phan Huy Vịnh, Tản Đà - ND
[5] Theo các bản dịch thơ của Phan Huy Vịnh, Tản Đà - ND
Trong sự hướng về phía Kỳ Dao, không đơn thuần chỉ có yêu, trong đó còn
bái lạy. Kỳ Dao không phải là một con người, mà là hoá thân, một linh hồn
lan tràn không gian. Đó là thế giới mơ hồ, loạn tâm trí, nó bay nhảy trong
không trung Cầu Ô, giống như ảo ảnh. Có những lúc cậu Hai cảm thấy
mình cũng hoá thân, biến thành mây mưa. Cầu Ô cũng lắm ảo giác, kỳ thực
đêm quá tĩnh, quá dài, sinh ra ảo giác. Nơi có nhiều sông nước quanh co,
mái ngói lô xô, đường lát đá, đều là nơi sản sinh ảo giác. Kỳ Dao đang sống
trong miền ảo giác. Nàng đi trên đường phố Cầu Ô mà người khoác ánh
phồn hoa rực rỡ, tưởng đâu dư âm múa hát theo về. Cậu Hai nghĩ, người
con gái Thượng Hải này đang cuốn hút mình. Phía trước càng nhiều rủi ro,
sức cuốn hút càng mạnh mẽ, cậu như sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Cậu bái
lạy thứ tôn giáo bất hạnh không phải vì để vĩnh hằng, mà cho ngắn ngủi,
đuổi theo mây khói, tìm niềm vui chốc lát. Cậu Hai đã bị nhiễm tà tâm.