để lại trên ban công nhiều chậu hoa, hầu hết đã khô héo, còn lại một vài
chậu không biết cây gì, vẫn ra lá non. Trong bếp đầy những chai lọ, bên
trong mốc meo, sinh dòi bọ, chai dầu lạc vẫn còn đến một nửa. Trên bức
tường cửa sau còn để lại bút tích của người lớn, viết: “Lễ mừng thọ ngày
mồng mười tháng giêng”. Không rõ lễ mừng thọ ai. Cũng có dòng chữ của
trẻ con: “Vương Căn Sinh ăn cứt”. Ngày tháng lộn xộn, không đầu không
cuối, viết khắp nơi. Còn cả đống giày dép cũ. Kỳ Dao sắp xếp mấy thứ đồ
dùng của mình, còn nữa để tạm đấy, việc đầu tiên là treo mấy tấm rèm cửa
sổ, che lại, bật đèn. Bộ mặt căn phòng đổi khác, tuy là tiếp nhận của chủ cũ,
song cũng trở nên mới mẻ. Đèn không chao, ánh sáng tràn khắp nhà, không
phải là sáng, mà mọi đồ vật đều như bị lột da, bóc trần. Trời tháng năm,
ngoài kia gió mát, có mùi khói bếp và nước rửa bát, thật ra đó là mùi cốt lõi
của Thượng Hải, hôi lâu rồi cũng không còn nhận biết, thấm cả vào người.
Muộn hơn một chút là mùi cháo đường hoa quế, những gì xưa cũ đều được
gặp lại. Rèm cửa sổ cũng cũ, che đi cảnh đêm quen thuộc. Cũng có sự ngăn
cách những điều quen cũ, nếu thật tâm nối lại, vẫn còn vết nối. Kỳ Dao rất
xúc động với những bông hoa trên rèm cửa sổ, hoa nở bất cứ lúc nào và ở
đâu, là bạn trung thành. Nó giữ lại hình bóng, là dấu vết của thời tốt đẹp, dù
mất đi thì vẫn rực rỡ. Sàn gỗ và khung cửa sổ bằng gỗ bốc lên mùi thuốc
chống mối mọt, có tiếng chân chuột khe khẽ, như đi qua tim người, cũng là
sự nhắc nhở. Rồi tiếng rao: “Cẩn thận đèn lửa” lại vang lên.
Kỳ Dao đi học y tá ba tháng, được cấp giấy phép và treo biển nhận tiêm
ngay trước hẻm Bình An. Cứ vài ba hẻm lại có một biển loại này, là sinh kế
của những người như Kỳ Dao. Buổi sáng, những người này dậy thu dọn nhà
cửa gọn gàng, áo quần sạch sẽ, rồi đốt đèn cồn, luộc kim tiêm. Ánh sáng từ
mái nhà bên chiếu vào, in hình ô vuông trên nền nhà. Rồi tắt đèn cồn, mở
sách truyện ra đọc, chờ khách đến tiêm. Người đến tiêm thường sáng một
mũi, chiều một mũi, cũng có một vài người tiêm buổi tối. Còn có người mời
đến nhà tiêm, mỗi lúc như thế, họ đi, đem theo túi đựng dụng cụ tiêm, bông,
mũ vải trắng và khẩu trang, ra dáng một y tá. Kỳ Dao thường mặc xường
xám trắng, vào những năm năm mươi, loại xường xám ấy càng ngày càng ít
thấy, còn lại không mấy chiếc, không tránh khỏi cũ hỏng, là di tích của một