sự việc đến một mức độ nào đó, nhưng mức độ nào thì mỗi người một khác
nhau - Kỳ Dao nói.
Mao Mao không phản bác nữa, ba người tiếp tục đánh bài. Đánh một lúc,
Mao Mao không còn chuyện gì để nói. Anh kể về một người bạn của bố
anh, chết từ mười năm trước, đồng hồ trên tường dừng lại đúng lúc ông tắt
thở. Bởi chiếc đồng hồ rất xưa, lại treo trên cao, định đem chữa, nhưng nay
lần mai lữa thế mà đã mười năm. Nửa năm trước đây, bà vợ của người bạn
cũ ấy lâm bệnh và chết, cũng đúng vào phút bà nhắm mắt thì chiếc đồng hồ
lại chạy, cho đến tận bây giờ vẫn chạy.
Cả ba người cùng im lặng. Mặt trời đã ngả về tây, trong nhà tối dần, qua
tấm rèm cửa có thể thấy ánh nắng chói chang trên cánh cửa sổ đối diện.
Trong lòng thoáng chút sợ hãi vu vơ. U Trương lên cho biết hạt sen đã chín,
bao giờ thì đi mua bánh bột cua. Lúc này bà Nghiêm mới nhớ ra, vội vàng
bảo u Trương đi mua ngay, bà còn dặn ngồi xích lô về, đừng đi xe buýt mà
đổ hết nước bánh. U Trương đã đi, Kỳ Dao nhìn đồng hồ, đã đến giờ tiêm
cho thằng bé, cô đi đốt đèn cồn, ngọn lửa xanh lay động, trong phòng trở
nên âm u.
Chiều hôm nay không vui bằng chiều hôm trước, nhưng có nhiều chuyện
cảm động. Bánh u Trương mua về vẫn nóng hôi hổi, nước canh vẫn đầy
nguyên. Lại pha thêm một ấm trà, lại chơi tú-lơ-khơ. Chỉ chốc lát đã hết
buổi chiều. Bà Nghiêm nói:
- Ngày ngắn quá, vừa mới đấy đã tối! Thế này nhé, sáng mai cậu Mao đến
đây chơi, buổi trưa ở lại ăn cơm, tôi bảo u Trương làm món vịt bát bảo, món
tủ của u Trương chỉ làm vào dịp Tết. Mao Mao nói:
- Mấy năm trước mẹ em ăn món này ở nhà chị rồi, sau đó mẹ em bảo bác
Lý Đại đến học đấy thôi, học nhưng không thể nào làm được như bên chị.
Bà Nghiêm nói: