tìm vài thứ ra vá may, khi tìm ra rồi lại không còn hứng làm nữa, cuộn len
lăn xuống gầm sofa vẫn không biết; đọc báo Buổi chiều, đọc vài ba lần
cũng không hiểu nói gì; soi gương xoã tóc, cũng không nhận ra trong gương
kia là ai. Ý nghĩ không đầu không cuối, không thành chương hồi. Nàng tung
đồng xu lên mặt bàn, không biết muốn sấp hay ngửa đây, tiếng ầm ào không
biết làm việc gì. Nàng lấy cỗ bài tú-lơ-khơ ra để bói, bói chưa cũng không
biết. Con hẻm phía dưới cửa sổ lại vang lên tiếng rao “Cẩn thận đèn lửa”,
tiếng chuông rung thay cho tiếng phách. Tiếng chuông leng keng là âm
thanh duy nhất trong hẻm Bình An về đêm. Không khí tĩnh mịch vắng vẻ
như sắp đến buổi chiều tiếp theo. Buổi chiều họp mặt uống trà náo nhiệt bao
nhiêu thì đêm càng buồn bấy nhiêu, buồn như muốn triệt tiêu náo nhiệt,
thậm chí hơn thế. Để loại bỏ tĩnh mịch Kỳ Dao phải đi xem phim chiếu buổi
thứ tư. Buổi chiếu phim thứ tư là tàn dư của sinh hoạt đêm, là chút cốt lõi
còn rơi rớt của thành phố không đêm này. Buổi chiếu phim thứ tư thường
vắng người xem, còn trống đến nửa số ghế, cũng rất tĩnh mịch. Trên đường
về người thưa vắng càng thêm tĩnh mịch. Thành phố không đêm giờ này
chỗ nào cũng có chữ “đêm” , bóng cây ngô đồng màu đêm, người chờ xe vẻ
mặt nhuốm màu đêm, tiếng leng keng tàu điện vào bến cũng là tiếng đêm,
ánh đèn nê-ông dọc đường là cặp mắt đêm. Nhưng ánh sáng về đêm của
thành phố này cũng là ánh sáng giành giật, manh động như dòng sông âm
thầm chảy, phải chú ý lắm mới nhận ra.
Bây giờ, trước hôm họp mặt Mao Mao đến bàn bạc với Vương Kỳ Dao, bàn
xong Mao Mao đi mua các thứ. Có hôm muộn, đến giờ ăn tối, Vương Kỳ
Dao không để Mao Mao đi, bảo anh vào nhà bà Nghiêm trong hẻm, ba
người cùng ăn cơm. Về sau, cứ đến ngày, bà Nghiêm đến, Xasa cũng đến
tham gia. Thế là trước buổi họp mặt lại thêm một bữa ăn, mỗi ván mạt
chược cũng thêm tiền, hơn nữa, mạt chược không đánh không được. Với
người khác thì không sao, với Xasa phải đánh, hai buổi mới đến tham gia
một, còn buổi nữa thì cáo bận, không ai nói ra nhưng ai cũng biết. Kỳ Dao
còn phát hiện Mao Mao nhường cho Xasa thắng. Kỳ Dao biết Mao Mao
muốn chi nhiều tiền nhưng ngại người khác không bằng lòng, đành dùng
cách thua bài vậy. Kỳ Dao vừa xem thường Xasa, vừa khen Mao Mao. Một