buồn đau khóc than thảm thiết, mà là thứ chó chết lằng nhằng vướng vít, li
ti vụn vặt. Ngõ hẻm Thượng Hải không cất giấu nổi những buồn đau lớn.
Buồn đau của nó được cắt nhỏ chia đều, chia đều cho mỗi người không
được bao nhiêu. Là buồn thương, là thảm thiết, nỗi buồn thương trong lòng,
thảm thiết trong lòng, không thể đưa lên sân khấu cho mọi người cùng
thưởng thức, nó đến thế nào, đi ra sao chỉ một mình mình biết, khổ đau đến
khổ đau đi chỉ một mình khổ đau, đó cũng là ý nghĩa của chữ “riêng”, kỳ
thực cũng là ý nghĩa của buồn đau. Bởi thế, nói cho cùng chuyện đồn đại có
nỗi đau, cho dù không đau, nhưng cũng ăn sâu vào tim vào phổi. Mỗi người
đau riêng nỗi đau này, không cùng chung, không gợi sự đồng tình, là nỗi
đau cô đơn. Đó chính là nỗi xúc động của chuyện đồn đại. Khi sản sinh
chuyện đồn đại cũng là lúc tận tâm làm người. Làm người ở các ngõ hẻm
Thượng Hải là tận tâm tận lực, tập trung tinh thần, mắt chỉ nhìn vào mình,
chuyên chú. Không muốn sáng tạo lịch sử, chỉ muốn sáng tạo chính mình,
không có chí khí lớn, nhưng phải tận dụng thực lực của chính mình. Thực
lực đó cũng phải chia đều cho mọi người.
3. Phòng khuê
Phòng khuê của các ngôi nhà trong ngõ hẻm Thượng Hải thường là những
gian khuất một bên hoặc là gác xép, nhìn chung có cửa sổ quay về phía kín
đáo, có rèm che. Kéo rèm lên là có thể thấy phòng khách của dãy nhà sau,
thấy các ông và các bà, thấy cả cây trúc đào ở sân sau. Những phòng khuê
này thực ra không có gì là nghiêm cẩn. Trú ngụ cạnh gác xép hoặc là một
thực tập sinh sở Tây, hoặc là một sinh viên, thậm chí là một vũ nữ mới vào
nghề. Phía trong của ngõ là nơi chứa chất rác rưởi. Chuyện nhà quê của các
bà già, tiếng địa phương của những người phu xe, cánh bạn hữu vớ vẩn của
anh sinh viên ngày nào cũng lui tới vài ba lần, chị em cùng hội của cô vũ nữ
chừng vài ba ngày lại đến. Nửa đêm, nghe rõ cả tiếng kẹt của mấy cánh cửa
sau cứ tưởng như sắp xảy ra chuyện khác thường. Nói ngay cái ông bà ở
nhà khách phía trước lúc nào cùng làm ra vẻ vợ chồng, nhưng biết đâu lại là