tĩnh, mọi người đều tập trung toàn bộ tinh thần lắng nghe một vị hòa
thượng giảng kinh, chắc hẳn người đó chính là Liễu Không đại sư rồi.
Tiểu hòa thượng lẳng lặng đưa chúng tôi tới ngồi tại một góc vắng vẻ.
Tư Mã Cẩn Du vốn sống trong nhung lụa đã quen mà không ngờ vẫn chẳng
hề để tâm, hoàn toàn không có bộ dạng hách dịch như lúc ở trong xe ngựa,
còn ra vẻ như là một tín đồ Phật giáo thành kính, cứ thế ngồi nghiêm trang
trên chiếc bồ đoàn.
Tôi thấy vậy thì bèn học theo hắn.
Có điều rất hiển nhiên, tôi sinh ra không phải là để làm tín đồ Phật
giáo, Liễu Không đại sư nói cái gì mà nhân quả tuần hoàn, tôi mới nghe
được mấy câu thì đã bắt đầu lơ mơ ngủ gật. Đến khi tôi hoàn toàn tỉnh táo
trở lại, mọi người trong phòng giảng kinh đã rời đi gần hết, Tư Mã Cẩn Du
thì giống như vừa mới được kinh Phật gột rửa, trở nên khác với trước đó rất
nhiều, trong ánh mắt nhìn về phía tôi đã bớt đi mấy tia thờ ơ, nhiều thêm
mấy phần nghiêm túc.
“Bình Nguyệt, nàng có tin vào cái gọi là nhân kiếp trước, quả kiếp này
không?”
Tôi trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi mới cất tiếng trả lời: “Tiểu nữ
không tin. Trong kiếp trước bất kể ân oán tình thù có lớn đến cỡ nào thì khi
người chết đèn tắt, mọi chuyện cũng coi như kết thúc rồi. Cho dù thực sự
có kiếp sau thì tất cả nên bắt đầu lại từ đâu, còn nghĩ tới cái nhân của kiếp
trước làm gì nữa? Tuy Phật pháp hay nói tới nhân quả tuần hoàn nhưng tiểu
nữ vẫn cho rằng kiếp trước là kiếp trước, kiếp này là kiếp này, hai con
người ở hai kiếp dù có là một thì cũng không phải là cùng một người.”
“Nếu sau khi luân hồi mà một người vẫn còn ký ức của kiếp trước thì
sao?”