“Thế An.” Hắn chợt cất tiếng gọi, trong thanh âm yếu ớt thấp thoáng lời
khẩn cầu. Diệp Thế An dừng bước nhưng đưa lưng về phía hắn. Gió thổi
ngang qua, Cố Cửu Tư ngẩng đầu nhìn Diệp Thế An trong bộ trang phục
trắng với tóc cài quan ngọc và dải lụa trắng cột quanh trán phấp phới theo
chiều gió. Cố Cửu Tư vừa nhìn hắn vừa nhẹ nhàng nói, “Năm ngươi và ta
học chung học đường, ngươi từng dạy ta một câu.”
“Ngươi bảo,” giọng Cố Cửu Tư khản đặc, “quân tử khả khi chi dĩ
phương, nan võng dĩ phi kỳ đạo[2]. Hồi còn nhỏ ta ghét kẻ nguyên tắc như
ngươi nhưng ta luôn nhớ kỹ những lời này. Ngươi nói quân tử phải có đạo
lý, thế đạo lý của ngươi đâu?”
Diệp Thế An không trả lời, hắn cứ mãi nhìn hành lang sâu hun hút.
Hắn mơ hồ nhớ ra đấy là chuyện nhiều năm về trước.
Thuở ấy Cố Cửu Tư và hắn còn đi học, Cố Cửu Tư thích đùa giỡn nên
thường xuyên bị phu tử quở trách. Một ngày nọ, xích mích phát sinh giữa
Cố Cửu Tư với một đệ tử trong học đường. Vị học sinh kia chỉ sống cùng
mẫu thân nên thân cô thế cô, Cố Cửu Tư lại dẫn theo cả Trần Tầm lẫn
Dương Văn Xương. Cố Cửu Tư dọa đánh hắn, vị học sinh sợ đến mức run
lẩy bẩy nhưng quyết không nhượng bộ. Cuối cùng Diệp Thế An ra mặt và
nói với Cố Cửu Tư một câu, “Cố đại công tử, quân tử khả khi chi dĩ
phương, nan võng dĩ phi kỳ đạo. Ta tin Cố đại công tử hiểu ý nghĩa của
nó.”
Ngày đó, Cố Cửu Tư của thời niên thiếu nhìn chòng chọc Diệp Thế An
thật lâu mới lạnh lùng “hừ” một tiếng, “Không hiểu. Thôi, ai thèm tranh cãi
với mấy đứa cổ hủ chứ?”
Sau đấy hắn tiêu sái bỏ đi. Diệp Thế An cho rằng hắn thật sự không hiểu
nhưng nào ngờ Cố Cửu Tư ghi nhớ những lời này suốt nhiều năm như vậy.