Phản ứng: dòng khẩu hiệu kèm theo các hồ sơ kể trên đơn giản nhưng
có sức mạnh ghê gớm: "Không chỉ nhớ tới Konstantin". Chẳng mấy chốc
mọi người từ những kẻ được gọi là chuyên gia về Nga tới người Nga hải
ngoại rồi đến người dân của các nước thuộc Liên Xô cũ xuất hiện trên
truyền hình, đài phát thanh và mạng Internet tố cáo Nga rõ ràng đang trở lại
thành mối đe doạ đầy điên cuồng và âm mưu thâu tóm quyền lực thế giới.
Như thể hình ảnh Konstantin khốn khổ bị tra tấn - cộng thêm là chi
tiết không thể quên về vài ngàn người chết mới xuất hiện - đã khiến con
người có đủ dũng cảm để cuối cùng lên tiếng. Một điều lạ lùng và cũng nực
cười là những cốc uống cà phê, áo phông in hình ảnh Konstantin - rõ ràng
lúc này đã tràn ngập thị trường thế giới. Rồi những năm 1960 cùng hình ảnh
về những đám mây hình nấm đột ngột trở lại trong cơn ác mộng chung của
loài người.
Nhiều người tuyên bố là người nhà hoặc bạn bè của Konstantin xuất
hiện trong các chương trình thời sự trên khắp thế giới, kể hoặc thuật lại nỗi
thống khổ của một người đàn ông chưa bao giờ tồn tại. Thế nhưng họ vẫn
thao thao kể những câu chuyện dài lê thê một cách thích thú, rõ ràng đã tự
huyễn hoặc rằng người đàn ông ấy có thật và họ biết anh ta. Anh ta là một
tử sĩ, nổi tiếng và được yêu mến, bây giờ họ cũng thế. Gương mặt đầy
thương tâm của họ thu hút sự chú ý và làm thổn thức trái tim của người dân
trên khắp thế giới.
Các tay dẫn chương trình hoặc phát thanh viên đều mớm cho các vị
khách của họ những câu hỏi đại loại như: "Tất cả những chuyện ấy đều thật
kinh khủng, phải không ?" hay "Nếu như ngay lúc này Konstantin còn sống,
quý vị tin rằng người đàn ông khốn khổ này muốn chuyển thông điệp gì đến
nhiều triệu khán giả của chúng ta ?"
Một người đàn ông chậm rãi và nghiêm trang phát biểu trên một kênh
của hãng BBC: "Trong một thế giới khan hiếm năng lượng, khan hiếm nước
và mỗi ngày đều xuất hiện thêm những kẻ thù mới, rõ ràng người Nga
không hài lòng khi phải đứng sau những nước như Trung Quốc, Ấn Độ hay
thậm chí Hoa Kỳ". Vị này còn nói thêm rằng: "Nga đã từng thử áp dụng dân
chủ nhưng họ chẳng quan tâm gì. Gấu Nga sắp khẳng định mình một lần
nữa, thế giới cần hết sức lưu tâm".
Thế giới đã lưu tâm, bởi người nói những lời trên không phải ai khác
ngoài Sergei Petrov, từng là nhân vật số hai của Cơ quan an ninh liên bang
(tiền thân của nó chính là KGB). Ông ta đã may mắn thoát khỏi Nga mà
không mất mạng. Petrov nói rằng chính vì nói thật, mỗi ngày ông đều nghĩ