hàng chục nạn nhân, nhưng khi qua những “quảng trường” chật hẹp, chằng
chịt và mọc rêu thì hắn lại từ tốn thong thả tiến bước.
Ông Viêm Phổi không phải là hạng người được gọi là lịch sự mã
thượng. Một phụ nữ nhỏ bé, thiếu máu vì những cơn gió hiu hiu của miền
California, đâu có phải là đối thủ xứng đáng của tên bợm già có hơi thở dồn
dập và nắm tay đỏ lòm ấy. Thế mà hắn vẫn cứ đánh vào Johnsy và cô ta nằm
lăn như bất động trên chiếc giường sắt sơn và qua những tấm kính cửa sổ
nhỏ kiểu Hà Lan, cô trân trân nhìn cái đầu hồi của tòa nhà gạch bên cạnh.
Một buổi sáng, viên bác sĩ bận rộn, nháy cặp lông mày rậm, đốm bạc,
mời Sue ra ngoài hành lang.
“Bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hy vọng được
một thôi, ta hãy tạm nói thế,” ông vừa nói vừa vẩy cái cặp sốt cho thủy ngân
hạ xuống. “Và muốn có được một phần đó thì cô ấy phải có ý muốn sống
kia. Cái cung cách con người ta cứ sắp hàng đứng sẵn bên phía anh chủ thầu
đám ma, làm cho mọi thứ thuốc men đều trở thành vô dụng. Cô bạn nhỏ
nhắn của chị yên trí là mình không thể khỏi được. Cô ta có điều gì lo nghĩ
không?”
“Cô ấy… cô ấy mong muốn có ngày được vẽ Vịnh Naples
,” Sue đáp.
“Vẽ à? Bậy! Cô ấy không có điều gì đáng để bận tâm hơn gấp đôi sao?
Chàng trai nào đó chẳng hạn?”
“Một chàng trai nào ư?” Sue nói, giọng rít lên như tiếng đàn môi. “Một
người đàn ông đáng gì để… Nhưng không, không có cái chuyện ấy đâu, bác
sĩ ạ.”
“Thế thì đây là điểm bất lợi,” bác sĩ nói. “Tôi sẽ làm tất cả những gì
khoa học có thể làm được thông qua những cố gắng của tôi. Nhưng khi nào
bệnh nhân bắt đầu đếm những chiếc xe đi theo đám tang của mình thì tôi sẽ
phải trừ khả năng chữa bệnh của thuốc men đi năm mươi phần trăm. Nếu chị
làm cho cô ta hỏi được một câu về mốt tay áo mới của áo choàng mùa đông
thì tôi xin thưa với chị khả năng khỏi bệnh của cô ấy sẽ là một trên năm chứ
không phải là trên mười nữa.”