chuyện như thế cả. Không, tôi sẽ không ngồi làm mẫu cho cô vẽ cái lão già
ngu xuẩn ngớ ngẩn của cô đâu. Tại sao cô lại để cho những chuyện vớ vẩn
ấy chui vào đầu óc cô ta? Chà, tội nghiệp cô bé Johnsy.”
“Em nó ốm nặng và yếu lắm,” Sue nói. “Cơn sốt đã làm đầu óc nó đâm
ra bệnh hoạn, đầy những ý nghĩ kỳ quái. Thôi được, cụ Behrman ạ, cụ không
muốn ngồi làm mẫu cho cháu thì thôi. Nhưng cháu thấy cụ thật là một ông
già kinh khủng, sao mà lắm nhời, lắm điều thế.”
“Cô thật đúng là đàn bà!” cụ Behrman hét lên. “Ai bảo là tôi không
muốn ngồi làm mẫu? Đi, tôi lên cùng với cô. Tôi đã nói suốt nửa tiếng đồng
hồ rằng tôi sẵn sàng ngồi làm mẫu kia mà. Trời, đây không phải chỗ cho một
con người tốt như cô Johnsy nằm. Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt
xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này. Trời, nhất định thế.”
Khi hai người lên tới gác trên thì Johnsy đang ngủ. Sue kéo tấm mành
mành xuống che kín cửa sổ và ra hiệu cho cụ Behrman sang buồng bên
cạnh. Sang đến nơi, họ ngoái ra ngoài cửa sổ, sợ sệt nhìn cây thường xuân.
Rồi họ nhìn nhau, không nói mất một lúc. Một cơn mưa lạnh lẽo dai dẳng,
pha lẫn tuyết đang đổ xuống. Cụ Behrman mặc chiếc áo sơ mi cũ màu xanh,
ngồi làm một tay thợ mỏ già trên cái ấm đun nước lật úp giả làm một tảng
đá.
Sáng hôm sau Sue tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một giờ thì thấy
Johnsy đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo
xuống.
“Kéo nó lên, em muốn xem,” cô thều thào ra lệnh.
Sue làm theo một cách chán nản.
Nhưng ô kìa sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài
cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá
thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây.
Tuy ở gần cuống lá còn giữ màu xanh xẫm, nhưng rìa lá hình răng cưa đã
nhuốm màu vàng úa, tuy vậy, chiếc lá vẫn dũng cảm bám vào cành cách mặt
đất chừng sáu thước.