- Chị phải làm việc vất vả dưới nước lạnh buốt như thế thật đáng thương!
Đúng là chị cần phải uống tí rượu cho lại sức, thế mà có những đứa ác khẩu
còn mở miệng ra chê trách chị đấy.
Chị ta nhắc lại bài diễn thuyết hay ho mà ông thị trưởng đã tuôn ra với
em bé lúc nãy. Chị đã nghe thấy khi đi ngang qua và chị cũng lấy làm buồn
vì ông ta đã nói mẹ em như thế. Chị nói tiếp:
- Chính con người nghiêm khắc ấy, thấy người ta uống vài giọt rượu để
giữ sức làm việc nặng nhọc đã cho là một tội nặng, hôm nay lại thết một
bữa tiệc lớn có đủ các thứ rượu mùi ngon, rượu vang nặng. Mỗi người uống
tới hai ba chai; nhất định không phải là việc uống cho đỡ khát. Nhưng làm
thế, nào họ có cho là uống rượu đâu vì họ là những người sang trọng. Còn
chị, họ lại bảo là đồ hư hỏng.
Môi run lên vì đau đớn, chị thợ giặt nói:
- A! Ông ấy bảo con thế đấy à? Bảo là con có một người mẹ tính hạnh
không tốt.. Có thể là đúng, nhưng nhẽ ra chẳng nên nói chuyện ấy với trẻ
con. Biết bao chuyện đau buồn của mẹ đều từ nhà ấy mà ra cả.
Martha nói:
- Ngày xưa, khi bố mẹ ông thị trưởng còn sống, chị đã ở cho nhà ấy.
Người ta có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Martha mỉm cười về câu khôi hài của mình và nói tiếp:
Câu chuyện là thế này: Ông thị trưởng đã mời rất nhiều người đến dự
tiệc. Đến phút cuối cùng ông ta lại định thôi không đặt tiệc nữa, nhưng
không kịp thức ăn đã mua và làm dở rồi. Đầy tớ nhà ấy đã kể chuyện với tôi
rằng: lúc ấy có thư bảo là em út ông ta vừa chết ở thủ đô Copenhagen.
- Chết! - Chị thợ giặt kêu lên, mặt tái xanh như một cái xác không hồn.
- Đúng đấy! Nhưng tại sao chị ại có vẻ quan tâm nhiều đến việc ấy thế?
Ừ, phải rồi, chị biết ông ta từ hồi ở cho nhà ấy chứ gì?
- Sao? Chết rồi ư? Ông ta có tâm hồn cao quý biết bao! Ông ta chính là
hiện thân của lòng nhân từ và hào hiệp. Cũng trong tầng lớp ấy, chẳng mấy