Chẳng lẽ lại không thú gì sao một mảnh rêu không đang để rơi lả tả
những bông hoa hình chén nhỏ bé của nó những phấn hoa màu ngọc bích,
hoặc một bông mã đề giống như chiếc ngù màu tím ngát của anh lính? Hoặc
một mảnh xà cừ tí xíu, nhỏ đến nỗi không thể làm nổi một chiếc gương bỏ
túi cho con búp-bê, nhưng lại đủ lớn để tràn đầy sắc màu dịu dàng như ánh
sáng cua buổi bình minh trên bầu trời Baltic.
Chẳng lẽ mỗi ngọn cỏ đầy ứ nhựa thơm ngào ngạt và mỗi hạt đoạn nhỏ
bé đang bay kia lại không phải là tuyệt đẹp sao? Từ hạt đó nhất định sẽ mọc
lên một cây đoạn cường tráng.
Có biết bao nhiêu cái ta nhìn thấy dưới chân ta? Về tất cả những cái đó có
thể viết một câu chuyện ngắn và những cổ tích. Nghe xong những cổ tích ấy
thì người ta chỉ còn biết lắc đầu và bảo nhau:
- Chao ơi, cái thằng bé dài ngoằng con lão thợ giày Odense kiếm đâu ra
được cái tài năng quý hóa đến thế? Rõ là một thằng phù thủy.
Không chỉ có thơ ca của nhân dân đưa con trẻ vào thế giới cổ tích, mà cả
kịch. Trẻ con hầu như bao giờ cũng coi kịch như một câu chuyện thần tiên.
Cảnh trí huy hoàng, ánh sáng của đèn dầu, tiếng giáp trụ của những
chàng hiệp sĩ kêu lách cách, âm nhạc âm vang giống như tiếng sấm của một
trận đánh, những giọt lệ của các nàng công chúa với những hàng lông mi
xanh, những tên ác ôn râu lửa tay nắm chặt đốc những lưỡi gươm sứt mẻ,
điệu nhảy của đoàn thiếu nữ áo quần mỏng tang. Tất cả những cái đó hoàn
toàn chẳng có gì giống thực tại và tất nhiên chỉ có thể xảy ra trong một
chuyện thần tiên.
Ở Odense có một rạp hát của tỉnh. Ở đó chú bé Christian lần đầu tiên
được xem một vở kịch mang cái tên bay bướm “Người con gái miền sông
Danube”, vở kịch làm chú bé sửng sốt và từ đó chú trở thành một tác giả
nhiệt tình cho đến trọn đời.
Andersen không có tiền đi xem hát. Chú liền thay các vở kịch thực sự
bằng các vở kịch tưởng tượng. Chú đánh bạn với anh Peter, một người dán
ápphích trong thành phố, giúp đỡ anh, và anh Peter, để trả công cho chú bé,
mỗi lần có vở mới lại cho chú một tờ ápphích.