Christian mang ápphích về nhà, lủi vào một góc và sau khi đọc xong tên
vở kịch và tên các nhân vật, chú liền nghĩ ra một vở kịch sôi nổi của mình
dưới cái tên kịch in trên ápphích.
Chú tưởng tượng như vậy mấy ngày liền. Cứ như thế, một chương trình
biểu diễn bí mật của cái nhà hát tưởng tượng trẻ em đã hình thành, trong đó
chú là tất cả: là tác giả kịch bản và là diễn viên, là nhạc công và là họa sĩ, là
người phụ trách ánh sáng và là ca sĩ.
Trong gia đình, Andersen là con một và mặc dù bố mẹ nghèo, chú vẫn
được sống một cách phóng khoáng không lo, không nghĩ. Cha mẹ không
bao giờ phạt chú. Chú chỉ làm độc có một việc là mơ mộng liên miên. Hoàn
cảnh ấy đã làm chú thậm chí học hành không được đúng lúc. Chú bắt đầu đi
học chậm hơn những đứa trẻ cùng năm sinh và cho đến khi đứng tuổi, nhà
văn Andersen khi viết văn còn không tin chắc mình viết đúng và vẫn mắc
nhiều lỗi chính tả.
Phần lớn thời gian, Andersen tiêu khiển bên cái cối xay cũ bên bờ sông
Odense. Chiếc cối xay bị những dòng nước và những tia nước bắn tung tóe
bao bọc, toàn thân run rẩy vì già yếu.
Những chòm râu xanh của đất bùn từ trong những mảng cối xay thủng lỗ
chỗ quyện lấy nhau. Nơi bờ đập, những con cá lười biếng lội trong bèo tấm.
Một người nào đó đã kể lại cho chú bé nghe rằng ngay dưới cái cối xay
này, ở đầu bên kia trái đất là nước Trung Hoa và người Trung Hoa có thể dễ
dàng đào một đường hầm đến Odense và họ sẽ bất thần xuất hiện trong
những chiếc áo thụng đỏ bằng lụa bóng thêu rồng vàng với những chiếc
quạt kiều diễm trong tay trên phố phường của cái thành phố Đan Mạch mốc
thếch của chú.
Chú bé đợi mãi sự màu nhiệm đó nhưng không hiểu sao không thấy nó
xảy ra.
Ngoài cái cối xay, ở Odense còn có một chỗ nữa lôi cuốn chú bé
Andersen. Trên bờ con sông đào có trại của một ông già thủy thủ đã về hưu.
Trong vườn nhà ông, ông già thủy thủ đặt mấy khẩu đại bác nhỏ bằng gỗ và
bên cạnh những khẩu đại bác là một chú lính cao lớn, cũng bằng gỗ.