Nhưng chúng ta cũng biết rằng Andersen đã viết nhiều truyện cổ tích
trong mùa đông, lúc đang độ tưng bừng những cây thông hội hè của con trẻ
và ông đã khoác cho chúng một hình thức tao nhã chỉ có ở những đồ trang
hoàng cho những cây thông đầu năm.
Tất nhiên, mùa đông ở ven biển, những tấm thảm tuyết, tiếng củi nổ tí
tách trong lò sưởi và ánh sáng chan hòa của đêm đông - tất cả những cái đó
đều dành cho những truyện thần tiên. Mà rất có thể câu chuyện xảy ra ở một
phố Copenhagen đã thúc đẩy Andersen trở thành người kể chuyện cổ tích.
Một đứa bé đang chơi trên bậu cửa sổ của một ngôi nhà cũ ở
Copenhagen.
Đồ chơi cũ của nó không có nhiều, vài cái hộp, một con ngựa bằng giấy
bồi cũ kĩ đã mất cả đuôi và bị tắm nhiều lần nên đã bạc hết lông, và một chú
lính chì gãy.
Mẹ chú bé - một thiếu phụ trẻ - ngồi thêu bên cửa sổ.
Trong lúc đó, ở cuối phố, về phía hải cảng cũ, nơi những cột buồm tàu bè
nghiêng ngả trên nền trời làm ta buồn ngủ, xuất hiện một người đàn ông rất
gầy, cao, mặc bộ quần áo đen. Ông ta đi nhanh, dáng đi nhún nhảy, không
vững, vung vẩy hai cánh tay dài và nói lẩm bẩm một mình.
Ông ta cầm mũ ở tay và vì thế trông rõ vầng trán rộng thoai thoải, cái mũi
khoằm và đôi mắt xám hơi nheo.
Ông không đẹp nhưng duyên dáng và làm người ta có cảm giác ông là
người nước ngoài. Một nhánh bạc hà thơm được gài vào khuyết áo đuôi
tôm.
Nếu như ta có thể nghe trộm những tiếng lầm bầm của con người không
quen biết kia, ta sẽ thấy ông đang ngâm nga những vần thơ:
Ôi hoa hồng dịu êm kí ức ngày xa,
Ta ôm ấp ngươi trong lồng ngực của ta.
Thiếu phụ sau khung thêu ngẩng đầu lên và nói với chú bé: Kìa, ông
Andersen, nhà thơ của chúng ta đang đi kia. Nghe bài hát ru em của ông,