sống dưới sự bảo trợ khinh thị của các nhà thơ, các nhà văn và các nhạc sĩ
đã được người đời công nhận.
Đã quá nhiều lần, ngay cả trong tuổi già của ông, người ta đã cho
Andersen biết rằng ông chỉ là một người “bà con nghèo” trong nền văn học
Đan Mạch, rằng ông - con trai một tên thợ giày và là một kẻ nghèo khó -
cần phải biết chỗ đứng của mình giữa các quý ngài cố vấn và các quý ngài
giáo sư.
Nói về đời mình, Andersen kể lại rằng trong suốt đời ông, ông đã nhiều
lần nếm mùi cay đắng. Người ta bịt miệng ông, vu khống ông. Người ta chế
giễu ông. Vì lẽ gì?
Vì trong người ông có “máu dân đen”, vì ông không giống những tên tiểu
nhân hãnh tiến, vì ông không biết sống.
Người ta coi sự không biết cách sống trong cái xã hội trưởng giả ở Đan
Mạch, là một khuyết tật nặng nề nhất. Andersen chỉ là một cái gai trong xã
hội đó. Cái gã kì quặc ấy, cái gã nhân vật đáng buồn cười của thơ ca ấy đã
sống dậy và bất thần xuất hiện từ trong một tập thơ ca ấy - theo lời triết gia
Kierkegaard - đã quên mất câu thần chú để trở về giá sách bụi bặm của thư
viện.
Andersen nói về mình như thế này: “Tất cả những gì đó tốt đẹp trong tôi
đều bị người ta nhận xuống bùn nhơ”. Ông còn nói đến những chuyện cay
đắng hơn nữa, tự ví mình với một con chó bị chết đuối mà lũ trẻ còn ném
đá, nhưng không phải vì căm ghét mà chỉ là để đùa nghịch cho vui.
Phải, đường đời không trải hoa đối với con người có tài nhìn thấy trong
đêm tối bông hoa tường vi lấp lánh trong ánh trăng, con người có tai nghe
thấy tiếng càu nhàu của một gốc cây bị đẵn lưu cữu trong rừng.
Andersen đau khổ ghê gớm và ta chỉ còn biết nghiêng mình trước tinh
thần dũng cảm của con người, trên đường đời của mình, đã không để mất đi
tấm lòng mong mỏi điều thiện cho đồng loại, cả niềm khát khao chính nghĩa
lẫn khả năng nhìn thấy thi ca ở bất cứ nơi nào có nó.