con dễ ngủ lắm đấy.
Chú bé ngước mắt lên nhìn người lạ mặt trong bộ đồ đen, vớ lấy chú lính
cụt chân duy nhất của chú chạy ra ngoài phố và nhét chú lính vào tay
Andersen rồi chạy đi ngay.
Đó là một món quà vô cùng hào phóng. Andersen hiểu điều đó. Ông gài
chú lính chì vào trong khuyết áo đuôi tôm bên cạnh nhánh bạc hà như thể
gài một tấm huân chương rồi rút khăn tay, ông khẽ thấm lên mắt. Các bạn
ông đã không vô lí khi lên án ông giàu xúc cảm.
Còn thiếu phụ, sau khi ngừng thêu và ngẩng đầu lên, nàng nghĩ rằng nàng
sẽ hạnh phúc biết bao, đồng thời cũng sẽ khổ biết bao, nếu như nàng chung
sống với nhà thơ kia, giả thử nàng có thể yêu ông. Người ta nói rằng, đến cả
nữ danh ca trẻ tuổi Jenny Lind mà ông yêu say đắm - mọi người đều gọi
nàng là “Jenny chói lọi” - cũng không thể làm Andersen từ bỏ bất cứ thói
quen nhà thơ nào của ông, bất cứ chuyện bịa nào của ông.
Mà những chuyện bịa đó rất nhiều. Một lần ông đã nghĩ cả đến chuyện
gắn vào cột buồm chiếc thuyền đánh cá một chiếc đàn dây để nghe tiếng hát
rền rĩ của nó vào mùa gió sầu Tây Bắc thường xuyên thổi vào Đan Mạch.
Andersen cho rằng cuộc đời ông là tuyệt đẹp, và gần như không vẩn mây
mù, nhưng tất nhiên, đó chẳng qua là nhờ ở tình yêu con trẻ là dấu hiệu xác
thực của một nội tâm phong phú. Những người như Andersen chẳng thích
thú gì việc tiêu phí thời gian và sức lực trong cuộc đấu tranh với những thất
bại trong cuộc sống, trong khi xung quanh mình rõ ràng thơ ca đang lấp
lánh và cần phải sống trong thơ ca, chỉ bằng thơ ca và không bỏ lỡ cái
khoảnh khắc ngắn ngủi khi mùa xuân lướt nhẹ đôi môi trên cây cối. Hạnh
phúc biết bao nếu ta không bao giờ nghĩ đến những điều rủi ro trong cuộc
sống! Chúng ta đáng gì so với mùa xuân tốt lành và ngát hương kia.
Andersen muốn được nghỉ ngơi, và được sống như thế, nhưng thực tại
chẳng hề tử tế với ông, mặc dầu ông xứng đáng được như vậy.
Trong đời Andersen đã có nhiều, rất nhiều nỗi đau khổ và bực dọc, nhất
là trong những năm đầu tiên ở Copenhagen, trong những năm nghèo khổ,