tay mình thì cam đoan là bà lão nhà mình có cách vỗ cho nó béo hơn nữa ấy
chứ lị. Cơm thừa, canh cặn trút cho nó cả, rồi thì là to phải biết! Mình cứ
nhớ mãi lời bà ấy luôn luôn nói với mình: Ôi chà! Nếu nhà ta có một con
ngỗng đem thả lẫn với đàn vịt thì đẹp biết mấy! Đây có nhẽ là dịp kiếm
được một con, mà con này thì phải bằng hai con khác chứ chẳng chơi đâu!
Thử xem sao!” Rồi cụ cất giọng nói to: “Này anh bạn, muốn đổi không?
Anh lấy cừu, lão lấy ngỗng. Không phải các anh cho lão đâu, mà lão phải
trả ơn anh là đằng khác nữa”.
Anh kia chẳng đợi nói đến lần thứ hai và ông cụ nông dân trở thành chủ
nhân con ngỗng. Lúc ấy cụ đã ra gần đến tỉnh. Càng ngày lại càng đông.
Người và vật chen chúc nhau trên đường cái, đi cả xuống rãnh, sát vào bờ
rào. Ở cửa ô, người ta chen chúc nhau hỗn độn.
Người thu thuế nhập thị có nuôi một con gà mái. Thấy đông người, hắn ta
lấy dây buộc cho nó khỏi xổng đi mất vì hốt hoảng. Gà đậu trên cái rào
chắn đường, ngó ngoáy cái đuôi xén cộc, chớp chớp một bên mắt ra bộ ranh
mãnh và kêu: “Coóc, coóc!”. Nó nghĩ gì thế chả biết được. Nhưng ông cụ
nông dân trông thấy nó liền phá lên cười, bụng bảo dạ: “Đây mới thật là
một con gà mái đẹp nhất, chưa bao giờ mình được trông thấy, nom nó còn
đẹp hơn cả con gà ấp của ông mục sư cơ đấy. Trông nó mới buồn cười làm
sao kia chứ! Trời, mình thích nó quá! Gà là một giống vật nuôi tiện nhất,
chả phải trông nom gì cả, nó đi nhặt nhạnh hột rơi hột vãi mà ăn thôi. Giá
mà đổi được ngỗng lấy gà mà lại tuyệt cơ đấy!” Cụ giơ ngỗng bảo người
thu thuế:
- Có đổi không?
Hắn đáp:
- Đổi à? Thế thì còn gì bằng nữa.
Người thu thuế lấy ngỗng, ông cụ nông dân ôm gà đi. Cụ làm nhiều việc
dọc đường như thế nên thấy nóng nực và mệt mỏi. Phải tợp một ngụm và
chén một miếng gì mới được. Cụ vào hàng ăn. Vừa lúc đó, cậu bồi đi ra, tay
xách một túi đầy ắp. Cụ hỏi cậu ta:
- Anh xách cái gì thế?