Nhớ đến cuộc tranh cãi nổ ra ở nghị viện, Drovson lại thấy buồn cười. Lí
lẽ có sức thuyết phục nhất đối với những lão đần ấy là một lí lẽ cực kì đơn
giản: nếu dùng rô-bốt thư kí, thì có thể giảm số nữ thư kí và trợ lí, do đó tiết
kiệm được khoản tiền lương trả cho họ.
- Cần lưu ý rằng, - Drovson thuyết phục các nghị sĩ, - các rô-bốt này
được trang bị bộ cảm biến y học và sẽ theo dõi sức khỏe các thủ trưởng,
khác hẳn đám nữ thư kí với thái độ vô đạo đức ngay trong giờ hành chính
thường làm giảm năng lực làm việc của các vị.
Các nghị sĩ phần lớn đã có tuổi, lí lẽ ấy của Drovson khiến họ muốn tỏ rõ
sự sáng suốt của họ nên họ giơ tay tán thành nhưng không phải không có ác
ý. Ở Hội đồng bộ trưởng, mọi người cũng không còn đồn đại về chuyện
Drovson đã bị hãng chế tạo rô-bốt mua chuộc. Cũng có đôi lời kêu ca, ví dụ
của Bộ trưởng quốc phòng, nhưng điều đó thật dễ hiểu. Từ lâu, ông ta đã
coi Drovson là một đối thủ có thể cướp mất nàng Dilaila mĩ miều hiện đang
làm việc ở Bộ Văn hóa.
Drovson thở dài. Ông gọi:
- Rô-bốt! Mi có biết đưa chương trình vào máy tính điện tử âm nhạc
không?
- Có ạ. - Rô-bốt đáp ngay. - Nhưng xin ngài gợi cho một ý tưởng hay một
tâm trạng nào đó.
Drovson mơ mộng nói:
- Dilaila! Dilaila, anh chờ mãi lúc em dành cho anh một góc trong trái
tim em! Liệu anh có được giây phút hạnh phúc ôm em không?
Nếu thư kí là người thật, thể nào hắn cũng cười thầm, nhưng rô-bốt chỉ
lại gần máy, đưa tay lướt trên phím như thể đã quen sáng tác nhạc lắm rồi.
Nhưng Drovson không kịp nghe sáng tác của nhà soạn nhạc điện tử, ở
ngoài cửa đã vang lên tiếng gõ khe khẽ. Drovson vội chạy ngay ra cửa,
nhưng hấp tấp va khá đau vào thân sắt của rô-bốt.