chẳng lâu la gì họ sẽ lại trở thành những kẻ xa lạ với nhau. Họ sống trong
nỗi kinh hoàng mãi mãi trước tương lai. Sợ hãi chính bản thân mình. Sợ
người yêu của mình. Được cãi cọ, được xúc phạm nhau, rồi tha thứ, làm
người mình yêu kinh ngạc và tự mình ngạc nhiên, rồi cứ liên tục thay đổi.
Sự xoay vần liên tục đó của cảm giác và tình cảm đã khiến họ mệt mỏi đến
nỗi không còn tĩnh trí nữa. Họ đã không còn nói thế này nữa: “Anh yêu em”
hay “Em yêu anh” mà nói: “Hôm nay anh yêu em xiết bao”, “Em yêu anh
quá hôm nay!” Họ không còn nói: “Chúng ta sẽ làm điều đó, nào hãy đi
chơi đâu đó đi”, mà họ nói: “Nếu em sẽ không thay đổi nhiều thì chúng ta
sẽ làm điều đó, sẽ đi chơi nơi nào đó”. Lịch trình bệnh viện với họ đã trở
thành một thời gian biểu quy định có những niềm hi vọng hay nỗi kinh
hoàng.
- Đến ngày hai mươi lăm em được ấn định là “người đàn bà nhẹ dạ, yêu
quý con cái của người khác”.
- Em nghĩ thế nào, chúng ta sẽ có thể thỏa thuận và ăn ý với nhau được
không?
Cô nhìn anh với nỗi buồn sâu sắc:
- Em e là không đâu anh Albert ạ.
Anh bèn chạy tới chỗ Fosten Vantre và khẩn cầu lui thời hạn tiêm lại đôi
ngày và tiêm truyền cho Iolande tính cách phù hợp với tính cách của riêng
anh đang có. Tất cả những yêu cầu đó đều vô ích. Các đồng nghiệp của
Albert Penchelet rất thông cảm với đôi lứa yêu nhau ấy. “Đôi lứa tắc kè
hoa”, như số 13 đã gọi họ, là đề tài rộng khắp của những cuộc nói chuyện.
Albert Penchelet toan tính lợi dụng sự nổi tiếng ấy để gây nên một cuộc dấy
loạn của những người thử nghiệm chống lại ngài giáo sư Dupont. Nhưng
người ta không ủng hộ anh. Như đã dự đoán trước, những kẻ âm mưu đã
không có đủ sự nhất quán trong các ý tưởng.
Về phần mình, Iolande đề nghị bà mẹ giúp đỡ.