mình lên làm hoàng đế, nhà độc tài tổng thống nước Cộng hoà hoặc chỉ là
uỷ viên hội đồng thành phố thì tôi bảo đảm với bác rằng tôi đã không xử
bác mười lăm ngày tù và năm mươi quan tiền phạt. Tôi sẽ tha cho bác tất
cả. Bác có thể tin ở tôi.
Hẳn ông chánh án Burisơ đã nói như thế vì ông có đầu óc pháp lý và ông
biết một viên quan toà có bổn phận gì với xã hội. Ông bảo vệ những
nguyên lý của nó một cách trật tự và chuyên cần. Công lý mang tính nhân
đạo và nhạy cảm. Người ta thừa hành công lý bằng những luật lệ cố định
chứ không phải bằng những rung cảm của xác thịt và ánh sáng của trí tuệ.
Nhất là đừng đòi hỏi công lý phải công bằng; nó không cần phải như thế vì
nó là công lý và tôi sẽ nói với anh ngay rằng ý niệm về một công lý công
bằng chỉ có thể nảy nở trong đầu óc một kẻ vô chính phủ. Thật vậy, ông
chánh án Manhô([35]) đã làm cho những bản án của ông được công minh,
nhưng người ta đã huỷ những bản án đó. Và thế mới là công lý.
Quan toà chân chính đánh giá chứng cứ bằng cán cân vũ khí. Ta thấy rõ
điều đó trong vụ Cranhcơbiơ và trong nhiều vụ khác nổi tiếng hơn([36]).
Ông Jăng Lecmitơ nói như vậy khi ông đi đi lại lại trong phòng chờ của toà
án.
Luật sư Ôbarê, người hiểu biết toà án, trả lời ông Lermitơ, tay gãi gãi mũi:
- Nếu ông muốn biết ý kiến của tôi, tôi không cho rằng ông chánh án
Burisơ đã vươn tới trình độ lý luận trừu tượng cao siêu đến thế. Theo tôi,
khi chấp nhận chứng cứ mà viên cảnh binh 64 đã đưa ra như một biểu hiện
của công lý, ông ta đơn thuần làm một việc ngươi ta vẫn thường làm. Phải
tìm ra lý do của phần lớn hành động con người trong sự bắt chước nhau.
Trong khi uốn mình theo lề thói, người ta sẽ được coi là một con người
trung thực. Những kẻ làm theo người khác được gọi là những người có đức
hạnh.