hương vị thưởng thức hơn mọi sự thoả mãn mà mùa hè đủ sức mang lại đó
sao ? - Phải, ngài là tay sành hưởng lạc, ngài Friđơman bé nhỏ.
Nhưng những con người thường chào hỏi ngài ngoài đường bằng vẻ niềm
nở thương hại, cái mà ngài đã quen từ lâu, hẳn không biết điều đó. Họ đâu
biết con người tàn tật bất hạnh kia, kẻ đang dạo bước trên đường, trịnh
trọng bảnh chọe với chiếc áo khoác màu vàng và cái mũ chóp cao bóng lộn
ấy - ngài còn hơi kiêu kỳ mới lạ - lại tha thiết yêu cái cuộc đời hiền hoà trôi
chảy, vắng mặt những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng ngập trong niềm hạnh
phúc yên ả và êm đềm mà ngài biết cách tạo ra cho mình.
Nhưng sở thích chủ yếu của ngài Friđơman, niềm say mê đích thực của
ngài, là nhà hát. Ngài có một khả năng cảm thụ kịch tính cao độ, và toàn bộ
tấm thân bé nhỏ của ngài có thể run lên trước một tác động kỳ vĩ của sân
khấu, trước thảm họa của một tấn bi kịch. Ngài có chỗ ngồi cố định ở
khoang ghế đầu trong nhà hát thành phố, và có mặt đều đặn, thỉnh thoảng,
ba bà chị cũng theo ngài tới đó. Từ ngày bà mẹ qua đời, họ một mình cai
quản cơ ngơi trong ngôi nhà cổ, tài sản nhà cửa thì họ cùng chung với ngài.
Tiếc thay họ vẫn chưa lấy chồng, nhưng đã ở cái tuổi mà người ta cần biết
khiêm tốn từ lâu, vì Friđrikơ, bà chị cả, hơn ngài Friđơman đến mười bảy
tuổi. Bà và bà em thứ Henrietơ thì hơi cao và gầy, trong khi Pfiphi, bà sau
cùng, lại quá thấp và béo. Ngoài ra, bà này còn có cái tật nực cười là nói
mỗi câu lại gật một cái và trào cả bọt ra hai bên mép.
Ngài Friđơman bé nhỏ không quan tâm nhiều đến ba cô gái già, nhưng về
phần họ, họ gắn bó trung thành với nhau và bao giờ cũng cùng chung một ý
kiến. Nhất là khi có một trong số những người quen của họ hứa hôn, họ
đồng thanh nhấn mạnh rằng, thật vô cùng phấn khởi.
Cậu em trai tiếp tục ở cùng nhà với họ, kể cả khi ngài đã rời khỏi cửa hàng
gỗ của ông Slivôgt và bắt đầu tự lập bằng cách đứng ra đảm nhiệm một cửa
hàng nho nhỏ nào đấy, một hãng buôn hay đại loại như vậy, công việc