sách tiếng Ba Lan ở Axpinoan, trên cái tháp đèn của ông, trong nỗi cô đơn
vô bờ của ông - là một chuyện siêu phàm, một việc thần kỳ nào đó, giống
như chuyện cổ tích.
Như những người thuỷ thủ nọ nghe tiếng gọi của biển giữa đêm sâu thăm
thẳm, giờ đây ông lão ngỡ như nghe thấy một tiếng nói yêu thương lắm,
gần như đã bị lãng quên rồi, lên tiếng gọi tên mình. Ông lão lặng người đi,
mắt nhắm nghiền, ông tin chắc rằng khi mở mắt ra thì giấc mơ nọ sẽ tan
biến.
Nhưng không. Cái gói bị rọc vẫn đang hiển hiện nguyên vẹn trước mắt ông
kia, nhuộm ánh hoàng hôn, và trên đó là quyển sách mà ông đã mở ra.
Giữa sự im lặng mênh mông của chung quanh, ông lão nghe rõ tiếng đập
gấp gáp của trái tim mình khi lại chìa tay cầm lấy quyển sách. Đó là một
tập thơ.
Phía trên là tiêu đề in bằng thứ chữ lớn, còn phía dưới là tên tác giả, cái tên
không hề xa lạ với ông lão Xkavinxki. Lão biết đó là tên một nhà thơ lớn,
nhà thơ có tác phẩm mà ông lão đã từng được đọc ở Paris hồi sau năm ba
mươi. Rồi sau đó, trong những ngày chiến đấu ở Angiêri và Tây Ban Nha,
ông nghe các bạn đồng hương bàn tán về danh tiếng ngày càng lớn của nhà
thơ vĩ đại ấy, song hồi đó, tay ông đã quen với khẩu súng đến nỗi ông
chẳng hề mó tới sách vở bao giờ. Năm bốn mươi lăm, ông lão sang Mỹ, và
trong suốt cuộc đời dọc ngang sau đó của mình gần như ông không hề được
gặp một người đồng hương nào, cũng chẳng được thấy một quyển sách Ba
Lan nào cả. Chính vì thế, giờ đây trái tim ông đập dập dồn hơn và bàn tay
ông càng lẩy bẩy hơn khi lật trang đầu sách. Trên đảo đá cô đơn của ông
hình như đang diễn ra một điều gì đó hết sức trọng thể. Giây phút ấy mới
thanh bình và yên tĩnh làm sao. Các đồng hồ lớn ở Axpinoan điểm chuông
năm giờ chiều. Bầu trời trong sáng không một gợn mây, thoáng vài cánh
hải âu chao lượn trong sắc xanh thăm thẳm. Đại dương đưa ru dìu dặt.
Những con sóng khe khẽ rì rào lan trải êm dịu theo ven bờ cát. Phía xa nổi