cạnh và biến mất trong bóng tối hàng cây dọc phố. Một hai tuần trôi qua,
rồi cái mùi ghê tởm nọ cũng bớt dần.
Từ buổi ấy mọi người bắt đầu thương xót cho cô Êmily. Nhớ lại chuyện bà
cụ Oaiet, bà cô của Êmily, tự dưng phát điên như thế nào, người ta đi đến
kết luận là tất cả mọi người trong họ Grixơn đều hơi có chút ấm đầu, ít ra
thì trong con mắt của những người bà con, cô Êmily bấy giờ quá xinh đẹp
so với lớp trẻ của thành phố chúng tôi. Như một bức tranh sinh động, trong
trí nhớ dân thành phố xuất hiện hình ảnh của cô Êmily và cha cô: ông đứng
phía trước, chân dang rộng trên thềm nhà, tay cầm chiếc roi ngựa, và hơi
dịch về phía trước một chút là thân hình mảnh mai của cô Êmily mặc toàn
đồ trắng. Bởi thế, khi cô đã ba mươi tuổi mà vẫn chưa có chồng, cả thành
phố dù không đến nỗi khoái chí trong bụng nhưng ít ra cũng cảm thấy là
mình được trả thù.
Đến cả chuyện gia tộc cô có chứng điên cũng vậy, chúng tôi nghĩ, vị tất cô
đã từ chối một đám ưng ý, nếu quả thật bỗng nhiên có được dịp như vậy.
Khi cha cô chết mới vở nhẽ rằng cô không thừa kế được một của cải gì của
ông hết, ngoài toà nhà, và chả giấu giếm gì, nhiều người đã hả hê vì thế.
Cuối cùng rồi cũng có thể thương hại được cô ấy, chúng tôi nghĩ. Khi phải
sống trong túng thiếu và cô đơn, cô Êmily sẽ quên thói kiêu căng của mình,
và sẽ quan tâm đến số phận người khác, bây giờ cô cũng sẽ hiểu, thế nào là
nỗi khủng khiếp vĩnh cửu và nỗi thất vọng vĩnh cửu, khi phải tự mình lo
liệu chạy vạy đắp đổi qua ngày.
Buổi sáng hôm cha cô chết, tất cả các bà các cô trong thành phố tụ tập lại
để, theo đúng truyền thống, bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc và chia buồn,
cũng như biểu lộ sự sẵn lòng giúp đỡ. Trong mắt cô không có lấy một giọt
nước mắt khi cô tiếp họ với bộ y phục ngày thường. Cha cô không chết, cô
tuyên bố và khăng khăng khẳng định điều đó trong ba ngày liền, cho dù các
vị linh mục và mấy ông bác sĩ tìm đủ mọi cách để đưa cái xác ra ngoài.