RƠI XUỐNG BIỂN
WINSTON CHURCHILL
(NOBEL 1953)
Lúc hơn chín giờ rưỡi một chút người đàn ông đó té xuống biển. Con tàu
chở thư ấy đang vội vã vượt Biển Đỏ để bù lại quãng thời gian tàu bị trôi
dạt vì những dòng hải lưu ngoài Ấn Độ Dương.
Đêm trong veo, tuy rằng mặt trăng bị khuất sau những đám mây. Bầu
không khí đầy những hơi ẩm. Mặt nước biển chỉ bị xao động theo đường
con tàu vừa chạy qua, từ hai bên hông tàu, những gợn sóng dạt ra như
những cái lông gắn ở đuôi mũi tên, những bọt sóng ở đuôi tàu chỗ cánh
quạt cứ sủi lên vạch một đường hẹp dài chạy tới cuối chân trời đen sẫm.
Trên tàu đang có một buổi hoà nhạc. Hành khách vốn quá chán với sinh
hoạt đơn điệu của chuyến hành trình đã tụ tập quanh chiếc dương cầm ở
phòng hội. Các boong tàu vắng hoe. Người đàn ông đã nghe nhạc và hát
theo những bản đàn, nhưng căn phòng quá nóng và ông muốn ra ngoài hút
một điếu thuốc, hứng chút gió do tốc độ con tàu mang lại. Đó là luồng gió
duy nhất trên Biển Đỏ này đêm nay.
Chiếc thang dây bên hông tàu người ta đã không gỡ ra từ khi rời cảng Aden
và ông ta bước ra ngoài như bước ra một bao lơn. ông tựa lưng vào lan can
và trầm tư nhả từng ngụm khói vào không khí.
Chiếc dương cầm trỗi một nhịp điệu sống động và một giọng hát cất lên
những câu đầu của bài “The Rowdy Dowdy Boys”, Tiếng quay của chân vịt
tàu bị chìm đi nhưng vẫn còn nghe đều đặn theo tiếng nhạc. Ông ta biết bản
nhạc này, nó đã từng làm mưa gió ở mọi nhà hát hồi ông rời quê nhà sang
Ấn Độ bảy năm trước. Nó khiến ông nhớ lại những đường phố đông đúc và
tươi vui đã lâu rồi không gặp nhưng sắp được thấy lại. Ông đang định hát