nhai lại tất cả những điều người Anh cho là tốt. Nhưng, đồng thời, đã là
quan chức bản địa, thì cứ phải giữ cho được tình ưu ái của chính chủ mình.
Trò chơi hóc búa đấy ! Nhưng người Bàlamôn trẻ tuổi, tính tình bình lặng,
kín mồm kín miệng, đã thế lại được tiếp sức bằng một nền giáo dục Anh
nghiêm chỉnh tại một đại học đường ở Bombay, đã lạnh lùng chấp nhận trò
chơi, rồi cứ thế, cứ từng bước mà đi lên, đạt tới địa vị tể tướng của vương
quốc. Có nghĩa là ông ta nắm giữ nhiều thực quyền hơn cả chủ mình, hơn
cả vị tiểu vương.
Khi nhà vua già - kẻ vốn nghi ngờ người Anh, cùng xe hoả và điện tín của
họ - đã qua đời, Purun Đax vẫn cao giá trong con mắt bậc kế vị trẻ tuổi của
vua người đã được một gia sư Anh kèm cặp.
Giữa hai người với nhau, ông luôn lo sao cho chủ của mình được hưởng
tiếng về mọi công lao, và họ đã cùng nhau xây dựng trưởng nữ học, làm
đường xá, mở bệnh viện cấp bang, tổ chức các buổi trưng bày nông cụ, xuất
bản hàng năm cuốn sách xanh về “Tiến bộ tinh thần và vật chất của bang”.
Bộ Ngoại giao([5]) cũng như Chính phủ Ấn Độ ([6]) hài lòng lắm.
Rất ít bang bản địa chịu dung nạp tất tật những tiến bộ của người Anh:
ngược với Purun Đax, người ta không tin rằng cái gì đã tốt với người Anh
thì phải tốt gấp đôi với người Á châu. Vị tể tướng trở thành người bạn tôn
kính của các vị phó vương, các thống đốc, các phó thống đốc, các nhà
truyền bá y tế, các nhà truyền giáo thông thường, các sĩ quan Anh cứ đường
đường không rời lưng ngựa mà đến săn bắn trong các khu rừng cấm của
bang, cũng như đông đảo du khách từng đi dọc ngang Ấn Độ trong mùa
lạnh và chỉ ra mọi việc phải được trông nom như thế nào. Lúc rảnh rỗi việc
công, ông lại tài trợ cho công cuộc nghiên cứu y khoa và sản xuất công
nghệ theo sát sàn sạt quy chuẩn Anh, và biên thư cho tờ Tiên Phong, tờ báo
hàng ngày lớn nhất Ấn Độ để giải thích những mục tiêu và đối tượng chủ
mình đang theo đuổi.