Một tối, vượt xong đỉnh đèo cao nhất, cao chưa từng gặp, mất hai ngày leo,
ông vấp phải một dải những đỉnh tuyết quây kín chân trời. Những ngọn núi
cao mười lăm, hai mươi ngàn bộ, mà nom hầu như chỉ ném một hòn đá là
tới, dù cách xa những năm, sáu mươi dặm. Rừng thẳm dày đặc phủ lên đỉnh
đèo: hồng sắc, hồ đào, anh đào dại, ôliu dại, lê dại, nhưng nhiều nhất là
hồng sắc, loại tuyết tùng vùng Himalaia. Dưới bóng những cây hồng sắc,
một ngôi miếu hoang thờ Kali: thần cũng là Đuốcga ([15]) là Xitala, và đôi
khi còn được thờ để trừ bệnh đậu mùa.
Purun Đax quét sạch sàn đá, mỉm cười với pho tượng cũng đang cười nhăn
nhở, bắt tay vào nặn một bếp đất nhỏ phía sau miếu, trải tấm da linh dương
lên một nệm lá thông mới, cắp chiếc gậy cán đồng vào nách, rồi ngồi xuống
nghỉ.
Ngay dưới chân ông, sườn đồi thoải ra xa, sạch bong, quãng tới nghìn rưỡi
bộ: nơi đây, một làng nhỏ, toàn nhà tường đá, mái đất, cheo leo bên sườn
dốc. Bao quanh làng, những thửa ruộng bậc thang như những mụn vá ráp
thành tấm vải phủ lên đầu gối của trái núi. Và những con bò, bò mà nom
không lớn hơn con bọ dừa, đang gặm cỏ giữa những vòng đã nhẵn của các
sân đập lúa. Nhìn qua thung lũng, mắt con người không thể nhầm lẫn về
quy mô của mọi vật, thoạt đầu không thể nhận được những gì cứ tưởng như
là bụi cây lúp xúp bên sườn núi đối diện, mà thực ra lại là vạt rừng với
những cây thông cao hàng trăm bộ. Purun Bhagát thấy một đại bàng lao
qua khoảng không mênh mông, nhưng, mới lao chưa được nửa chặng
đường, con đại điểu chỉ còn là một dấu chấm. Vài dải mây cao thấp vương
đây đó trong thung lũng, quàng lấy sườn đồi, hoặc vươn lên, rồi tan biến
khi ngang tầm đỉnh đèo. Và Purun Bhagát nói: “Nơi đây, ta sẽ tìm được
thanh bình”.
Đối với dân sơn cước, một vài trăm bộ lên xuống núi chẳng là cái gì, cho
nên, ngay khi dân làng thấy khói toả lên từ ngôi miếu hoang, giáo sĩ của
làng đã vội trèo lên sườn đồi bậc thang để đón chào khách lạ. Gặp ánh mắt