của Purun Bhagát, ánh mắt của một con người quen làm chủ hàng ngàn
người, giáo sĩ rạp xuống chào, cầm lấy chiếc bát xin ăn mà không hé một
lời, rồi trở về làng: “Thế là chúng ta đã có một vị thánh rồi đấy. Tôi chưa hề
được gặp người nào như thế. Người là dân ở dưới đồng bằng, nhưng nước
da lại trắng([16]): một người Bàlamôn giữa muôn người Bàlamôn đấy”.
Các bà nội trợ trong làng đều hỏi: “Không biết người có ở lại với chúng ta
không nhỉ ? !” Rồi bà nào cũng trổ tài nấu bữa ăn ngon lành nhất cho
Bhagát. Thức ăn vùng sơn cước đơn giản lắm, nhưng với kiều mạch và
ngô, gạo và hạt tiêu đỏ, với cá con bắt từ suối chảy trong thung, với mật lấy
từ các tổ ong hệt những tấm lưới dày bám trên vách đá, với mơ khô, nghệ,
gừng dại, bánh bột...thì một người đàn bà thành tín có thể nấu được những
món ngon, và vị giáo sĩ đã mang một bát đầy dâng Bhagát. Người có ở lại
không ? Giáo sĩ hỏi. Liệu người có cần một chela, một đệ tử, để đi xin ăn
cho người không ? Người có một chiếc chăn để chống chọi với giá rét
không ? Thức ăn có ngon không ?
Purun Bhagát ăn, rồi cảm ơn người cho. Ý ông là ở lại. Thế là đủ lắm rồi,
giáo sĩ nói. Xin cứ để chiếc bát xin ăn bên ngoài ngôi miếu, trong lỗ hầm
kia, nơi hai rễ cây xoắn vào nhau đấy: Bhagát phải được nuôi dưỡng hàng
ngày, vì cả làng cảm thấy vinh hạnh được một người như thế này... nói đến
đây giáo sĩ rụt rè nhìn lên mặt Bhagát…được một người như thế này ở lại
với họ.
Những cuộc lang thang của Purun Bhagát chấm dứt vào ngày hôm ấy. Ông
đã tới được nơi dành cho mình: cô tịch và mênh mông. Từ đó, thời gian
dừng lại, ông ngồi trước cửa miếu mà chẳng hay mình đang sống hay đã
chết, là một con người còn chế ngự được tứ chi mình, hay là một bộ phận
của núi đồi của mây gió, của mưa nắng đổi thay. Ông thầm niệm mãi một
Tên hàng ngàn lần, cho đến khi, mỗi lần nhắc lại, ông những tưởng rời xa,
xa mãi khỏi cơ thể mình, lướt tới cửa của một khám phá diệu kỳ. Đúng lúc
cánh cửa hé mở, thì cơ thể ông bỗng níu ông lại: buồn rầu, ông thấy như lại
bị khoá chặt trong thịt, trong xương của Purun Bhagát.