Sáng sáng, có người cầm chiếc bát xin ăn đã đầy đến lặng lẽ đặt trong chạc
rễ cây bên ngoài miếu.
Khi thì giáo sĩ mang bát tới. Khi thì một lái buôn Lađa ngụ trong làng, vì
nóng lòng được phúc, cũng cầm bát lật đật leo lên đường dốc. Nhưng
thường thì đấy là người đàn bà đã nấu bữa ăn từ đêm trước. Bà ta lầm rầm
khấn qua hơi thở: “Xin Bhagát hãy bạch cho con một lời với các vị. Xin
ngài bạch một lời cho kẻ này, kẻ nọ, vợ của người nọ người kia !”. Thỉnh
thoảng, một đứa trẻ bạo dạn cũng được phép lãnh điều vinh hạnh đó: Purun
Bhagát nghe tiếng nó đặt chiếc bát xuống, rồi co đôi cẳng nhỏ xíu mà chạy.
Bhagát không bao giờ xuống làng. Làng trải ra như một tấm bản đồ dưới
chân ông. Ông nhìn thấy nhưng đám tụ tập vào buổi tối trên cái sân đập lúa
quây lại thành vòng tròn: đấy là những mảnh đất bằng phẳng duy nhất. Ông
nhận ra màu lục kỳ diệu không tên của lúa non, những mảng màu xanh
chàm của ngô, các mảnh vụn kiều mạch và vào đúng mùa thì màu tía rực rỡ
của dền: hạt dền nhỏ li ti, mà thực ra không phải là hạt, cũng chẳng phải
đậu, người Hinđu được phép ăn vào các kỳ chay.
Bước vào năm mới, mái các túp lều hiện lên thành những ô vuông vàng
rỗng: người ta phơi bắp ngô trên đấy. Đưa ong vào tổ, gặt hái, gieo thóc,
xay sát, tất cả cứ diễn ra dưới mắt ông, tất cả đều được thêu thành màu ở
dưới đó, trên các mảnh đồng muôn hình. Ông suy nghĩ về tất cả, tự hỏi rồi
ra tất cả cuối cùng sẽ dẫn tới nơi đâu.
Ngay cả ở cái xứ Ấn Độ đông dân này, người ta không thể ngồi tĩnh tại lấy
một ngày, chờ cho dã thú cứ trên người mình mà chạy như chạy trên tảng
đá. Trong cảnh hoang dã này, chẳng được bao lâu đâu những dã thú, vốn
quá quen thuộc ngôi miếu thờ Kali, sẽ trở lại xem ai đã đột nhập vào đấy.
Langua, loài khỉ lớn vùng Himalaia, là những con vật trở lại đầu tiên: cũng
tự nhiên thôi, vì loài này bản tính tò mò lắm kia. Và khi chúng đã lật úp
chiếc bát xin ăn, rồi lăn bát quanh sân, rồi gặm thử chiếc gậy cán đồng, rồi
nhăn mặt với tấm da linh dương, thì chúng đánh giá rằng con người ngồi