CÂY MƯA THÔNG MINH
KENZABURO OE
(NOBEL 1994)
“Ông nên ra xem cái cây còn hơn gặp những người này”, người phụ nữ Mỹ
gốc Đức bảo tôi, trong khi đưa tôi ra khỏi căn phòng đông nghịt khách dự
liên hoan; chúng tôi đi dọc theo một hành lang rộng, ra tới hiên, đối mặt với
một khoảng trời đêm. Bao bọc trong tiếng cười và tiếng huyên náo đằng
sau lưng, tôi dõi mắt vào bóng tối đượm mùi ẩm ướt. Rành là phần lớn
khoảng tối bị choán bởi độc một cây khổng lồ: ở rìa của bóng tối, những
hình thù ánh lên nhờ nhờ của vô số lớp rễ phát xạ vươn ra về phía chúng
tôi. Dần dần, tôi nhận ra những hình thù giống như cọc rào ấy đang nhẹ
nhàng hắt lên một ánh xanh sáng. Trong khoảng tối này cái cây - nó mấy
trăm tuổi cây rồi, với những chùm rễ phát triển như cọc rào ? - che lấp cả
bầu trời lẫn vạt biển ở mãi dưới chân gốc. Từ chỗ chúng tôi đứng, dưới mái
hiên của toà nhà xây theo kiểu New England này, ngay cả giữa thanh thiên
bạch nhật, chắc cũng chỉ có thể nhìn thấy ống chân nó, ấy là nói theo cách
nhân hình hoá. Ở quanh biệt thự này mà nguồn chiếu sáng duy nhất bị ngăn
lại một cách lặng lẽ, cái cây ấy trong vườn tạo thành một bức tường tối mịt,
điều đó phù hợp với kiểu cách cổ xưa của ngôi nhà hay đúng hơn, với tuổi
thật của nó.
- Ông nói là ông muốn biết tên các loài cây này, vậy dân địa phương gọi nó
là “cây mưa”, nhưng cái cây này của chúng tôi là một cây mưa đặc biệt
thông minh -người đàn bà Mỹ nói.
Đó là một phụ nữ trung niên mà tôi gọi là Agatha vì chúng tôi không biết
họ của nhau...Viết như thế này nghe có mùi mơ mộng như ta thỉnh thoảng
thấy trong những tiểu thuyết đương đại Nhật Bản mà nhân vật chính là một
người đồng bào thông thạo nhiều ngoại ngữ.