NGƯỜI GÁC ĐÈN BIỂN
HENRYK SIENKIEVICH
(NOBEL 1905)
Truyện ngắn này viết dựa theo một chuyện có thật mà J. Horain đã kể trong
một bức thư gửi từ Mỹ về
I
Một lần xảy ra chuyện người gác đèn biển ở Axpinoan - một nơi không xa
Panama - bị mất tích. Chuyện đó xảy ra trong cơn bão nên người ta cho
rằng có lẽ kẻ xấu số nọ đã bị sóng cuốn đi khi lần ra mép nước của đảo đá
đặt tháp đèn. Điều đó càng có vẻ có lý, vì ngày hôm sau người ta không tìm
thấy chiếc xuồng con mà ông ta vẫn thường xuyên buộc ở kẽ đá. Cần phải
tìm ngay người thay chân gác đèn bị khuyết, bởi ngọn đèn biển này có ý
nghĩa không nhỏ đối với giao thông trong vùng cũng như đối với tàu bè
chạy từ New York đến Panama. Vịnh Muỗi vốn lắm doi cát và bãi cạn, tìm
luồng lạch ban ngày còn khó, huống hồ ban đêm, nhất là giữa những lớp
sương mù thường bao phủ vùng biển nhiệt đới bị mặt trời liên tục hun nóng
nơi đây. Khi ấy đối với số đông tàu bè, ngọn đèn biển trở thành người chỉ
đường duy nhất. Mối lo tìm người gác đèn thay thế đổ xuống đầu viên lãnh
sự Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở Panama, mà đó là mối lo chẳng nhỏ nhoi gì,
bởi lẽ thứ nhất là phải tìm bằng được người thay thế trong vòng mười hai
tiếng đồng hồ, thứ hai, người thay thế phải là người đặc biệt mẫn cán,
không phải ai cũng có thể nhận được, và sau nữa, hiện chẳng có ma nào
tình nguyện ứng cử vào chân ấy. Cuộc sống trên tháp đèn vô cùng khắc
khổ, chí ít cũng chẳng hấp dẫn gì đối với dân miền Nam rỗng tuếch vốn ưa
thích phiêu lãng tự do. Người gác đèn biển chẳng khác chi tù nhân. Trừ chủ
nhật, anh ta không được phép rời khỏi cái đảo đá của mình.