quyền cá nhân. Bác không có đầu óc pháp lý. Bác không hiểu rằng việc
hưởng cái quyền cá nhân không loại trừ việc thi hành bổn phận đối với xã
hội. Bác quá coi trọng cái quyền của bác là được nhận mười bốn xu và
không quan tâm đầy đủ đến bổn phận của bác là phải đẩy xe đi xa hơn nữa,
bao giờ cũng phải xa hơn nữa. Bác cứ đứng lại. Lần thứ ba, viên cảnh binh
64 bình tĩnh, không nổi nóng, lại ra lệnh cho bác đẩy xe đi. Trái với thói
quen của viên đội Môngtôxiên luôn luôn doạ nạt mà không bao giờ phạt,
viên cảnh binh 64 rất ít khi cảnh cáo, nhưng lại hay lập biên bản. Tính hắn
như vậy. Tuy có hơi thâm độc nhưng là người phục vụ mẫn cán, một người
lính trung thành. Dũng mãnh như sư tử và dịu dàng như trẻ thơ. Anh ta chỉ
biết có nhiệm vụ.
- Không nghe hay sao ? Tôi bảo phải đẩy xe đi chỗ khác kia mà !
Đối với Cranhcơbiơ, bác cho là mình có thừa lý do mạnh mẽ để đứng lại
như vậy, và bác trình bày ra một cách đơn giản, mộc mạc:
- Trời ơi, biết làm thế nào ! Tôi đã nói với ông rằng tôi còn phải chờ người
ta trả tiền mà !
Viên cảnh binh 64 chỉ trả lời:
- Có muốn bị phạt vi cảnh không ? Muốn thì bảo !
Nghe thấy thế, bác Cranhcơbiơ từ từ nhún đôi vai, đưa con mắt đau khổ
nhìn viên cảnh binh, rồi lại ngước lên nhìn trời như muốn nói:
- Trời thấu cho tôi ! Phải chăng tôi là kẻ bài xích pháp luật ? Phải chăng tôi
giễu cợt các sắc lệnh và chỉ dụ quản lý việc bán rong của tôi ? Năm giờ
sáng tôi đã tới trên nền khu Chợ lớn, đến bẩy giờ, tôi cầm càng xe nóng rát
cả tay, miệng tôi rao: Cải bắp, củ cải, cà rốt ra mua nào ! Tôi vừa tròn sáu
mươi tuổi, người mệt mỏi rồi. Mà ông lại bảo tôi muốn giương ngọn cờ đen
để nổi loạn à ([24]). Ông giễu tôi độc ác vậy ? !