“Người đâu mà ác, nghĩa tử là nghĩa tận, ai thế nào mặc ai chứ?” Bác
dâu tôi lẩm bẩm, mỗi lần bác chạy sang xin ít tương, vài quả cà sau ngày
chú Hòa mất. Mẹ chẳng nói chẳng rằng, chỉ cúi mặt. Nhưng tối mẹ đi. Mẹ
bảo lên bà ngoại xin cây chuối về thái cho lợn. Tôi lẳng lặng đi theo, thấy
mẹ chạy tắt cánh đồng mấp mô những ụ đất người ta vun lên để trồng sắn,
mẹ rẽ ngang chỗ ngã ba có đoạn đường vòng ra khu đất, nơi chú Hòa nằm.
Tóc xõa dài, mẹ khóc, mẹ vật vã bên mộ. Vật vã hơn cả ngày ông ngoại tôi
lên cơn đau tim rồi đột ngột qua đời. Tôi trân trối nhìn. Không hiểu sao mẹ
lại đau đớn thế. Đau đớn cho chú Hòa?
Bố biết. Ông ngồi yên lặng mỗi lần mẹ đi. Lại ngồi bên cái điếu cày,
trong căn phòng không thắp đèn. Cái cửa sổ trông ra bờ sông bao đom đóm
lập loè. Bố ngồi đó lặng yên như bức vách. Chỉ nghe tiếng cái điếu sòng
sọc, sòng sọc. Bóng bố lẫn vào bóng đêm. Im lìm, lặng ngắt. Mỗi lần mẹ đi,
mẹ về, một cây chuối trên vai, tóc lại cột gọn gàng. Bà chỉ nghĩ mẹ lên
ngoại xin chuối. Nhưng tôi thì biết. Cả bố. Tôi không hiểu sao bố biết.
Chắc mẹ cũng không hiểu sao bố và tôi lại biết.
“Mẹ mày khổ quá con ạ! Khổ đến tận lúc chết. May còn có bố mày
thương…” Bác dâu tôi ôm tôi và nức nở trong bốn mươi chín ngày của mẹ.
Bà ghét mẹ, nhưng bác thì thương. Bác thương mẹ như thương đứa em, đứa
em lỗi lầm. Cái lỗi của chiến tranh, cái lỗi của lòng người không biết cảm
thông. Để một đời mẹ tôi lầm lũi, hết vào lại ra không dám cả đi qua chỗ
ngã ba có tiếng kèn đám ma dạo nọ. Tất tưởi gánh mạ và che nón. Nước
mắt ngắn dài. Để bố tôi lại gắt: “Thôi mà mẹ!” Rồi khuya về, lẫn vào bóng
đêm bên chiếc tẩu cùng âm thanh sòng sọc.
Mẹ và chú Hòa yêu nhau ngày trẻ. Kỉ niệm của những đêm tát nước
gàu đôi theo mẹ vào cả cái gối xinh xinh, mẹ thêu cho tôi ngày còn bé. Hai
chiếc gàu chao đi chao lại với ánh sáng tỏ mờ của trăng đêm. Lúc gia đình
bên ấy chuẩn bị sang hỏi mẹ về cho chú thì chú có lệnh lên đường nhập
ngũ. Ba lô trên vai, chú đi, không dặn gì, chỉ một câu: “Chiến tranh có thể