anh không về, em đừng chờ mãi, hãy tìm hạnh phúc.” Mẹ khóc suốt tháng
ngày sau đó.
Cứ mỗi lần nghe tin có giấy báo tử của ai đó về xã, dù đang bì bõm
giữa cánh đồng xa nhất, để nguyên quần áo, cái chân ngập bùn, mẹ chạy.
Chạy tất tưởi, đến tận nơi, nhòm vào tận sát, thấy không phải Nguyễn Hợp
Hòa mẹ mới chịu về cấy tiếp. Nhưng đến ngày mẹ không thể về cấy tiếp
được nữa, tin chú Hòa hi sinh. Mẹ lăn lộn ngoài uỷ ban. Kêu gào thảm
thiết. Hai ống quần đầy bùn dính vào áo, ngoen đầy lên mặt. Bà ngoại cùng
các dì phải ra lôi, mẹ mới chịu về. Thời gian sau, mẹ cứ vật vã, đờ đẫn. Mẹ
lang thang hàng đêm bên bờ ao làng, cạnh cái giếng nơi xưa mẹ và chú hay
ngồi.
Bố xin bà sang hỏi mẹ một năm sau đó. Bố và chú Hòa là bạn thân
suốt thời niên thiếu. Cùng một cây sáo, cùng một con trâu, cùng chiếc bàn
trong lớp học tránh bom thời đánh Mĩ. Cùng đội mũ rơm, xách đèn đi học.
Khuya về cùng dọa ma ở búi duối có cái miếu làng. Để chú phải một tay
xách đèn, một tay xách thằng bạn run cầm cập, đái ướt sũng cả quần, về
trao tận tay bà nội. Rồi lội nửa cánh đồng nước ngập để về nhà.
Mẹ làm dâu đúng hai mươi lăm ngày, thì bố có giấy gọi. Bố lại đi như
chú Hòa. Con gà đang nhảy ổ, bà bắt thịt để tiễn bố. Bà ngồi khóc. Bố
không ăn chỉ gắp đầy bát mẹ, bát bà. Sáng hôm sau bố đi. Bố đi cũng chỉ
dặn mẹ một câu giống y chú Hoà: “Nếu anh không về, em đừng chờ
mãi…”
Mẹ lại khóc suốt những tháng ngày sau đó. Nhưng mẹ không tất tưởi
chạy lên xã mỗi khi nghe thấy có giấy báo tử nữa. Mẹ cấy. Cứ cấy. Miệt
mài. Kệ dân làng xôn xao tán loạn. Chiều gánh mạ về, trên đường qua xóm
mẹ nghe dân làng kháo nhau: “Cu Thanh nhà ông Ấm, cái Hạnh nhà bà
Gòn...” Chưa thấy bố. Không thấy hay chưa thấy. Mẹ kệ.