Một vài khung cảnh hiện ra trước mắt tôi khiến tôi có cảm giác cuộc
sống nơi này đìu hiu, ngày tháng sẽ trôi đi như một thước phim quay chậm.
Nụ cười và ánh mắt của ông bà già sẽ thắp lên những ngọn đèn nhỏ cho căn
nhà thêm sáng. Rồi giữa buổi chạng vạng buồn xo ấy, tôi đã nhìn thấy cô bé
từ đầu ngõ. Cô bé lắc lư theo nhịp chân đạp xe, miệng nghêu ngao câu hát
làm chiếc xe cũng tròng trành theo. Và lồng ngực của tôi cũng đang run
lên, bồi hồi. Thấy tôi, khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé đỏ ửng lên như trái
đào chín. Cô bé dựng xe ở góc sân, ôm chiếc cặp chạy một mạch vào bếp,
bà già đang ở đó.
Bữa cơm tối ấy có món cá rô đồng rán giòn, bát canh rau dền đất ngọt
mát và đĩa dưa muối chua chua. Sau những hồi trống réo lên trong bụng, tôi
ăn liền ba bát cơm, quên mất ánh mắt cô bé nãy giờ chăm chú nhìn tôi. Ăn
xong, tôi chủ động đi rửa, bát bởi tôi không muốn mình được tiếp đãi như
một vị khách. Cô bé không ngại ngùng ngồi xuống:
- Anh để em rửa cho. Anh úp bát vào rổ nhé!
Cô bé tên Nhu, vừa vào lớp 10 được nửa tháng. Tôi và Nhu đều là
những đứa trẻ lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà. Bố mẹ Nhu đã mất
khi Nhu còn rất bé, còn tôi, hai mươi tư tuổi vẫn không mảy may có một kí
ức nào về họ. Nội tôi cũng chưa bao giờ nhắc đến khiến tôi luôn mơ hồ
phỏng đoán đằng sau đó là một câu chuyện buồn. Những câu hỏi của tôi có
thể làm nội day dứt và đau đớn. Vậy nên tôi đã giấu kín đi.
- Anh ở nhà em mấy ngày?
Câu hỏi của Nhu làm tôi bối rối. Một con đường mờ mịt bỗng hiện ra
trong tâm trí tôi. Hay là trở lại túp lều ọp ẹp chiều nay? Rồi những khi thấy
bà già ôm củi đi về, tôi sẽ trốn đâu đó cho đến khi bà già đi khuất.
- Anh cũng không biết nữa. Chắc là ngày mai.
- Nếu anh chưa vội thì ở lại thêm mấy hôm nữa. Ông bà sẽ vui lắm.