Dân trong làng mang họ chôn tại chỗ họ sinh sống. Những đêm mồng
một vẫn thấy những bóng người dật dờ, chân đi tập tễnh. Kể từ đó đượng
có tên là Ma Què. Dân trong đê không ai dám lên đượng.
Nghe nói ở đó họ yểm nhiều bùa lắm, ai lên về thể nào cũng bị điên, bị
chết mà không biết nguyên do. Dần dà đượng Ma què trở thành nỗi ám ảnh,
không một ai dám tới gần.
Vậy mà chỉ có cha là hay lên đượng bắt rắn. Những con rắn đút trong
bao cha đem bán cho người trên huyện.
Dân trong đê người trừng mắt, kẻ lè lưỡi. Người đi biển có những điều
kiêng kị rất nghiêm, tuyệt không ai dám phạm vào. Vậy mà cha vẫn khỏe
mạnh, vẫn uống rượu bữa, vẫn đi ra biển trong những ngày nước lớn.
Đấy, rồi mà xem sẽ phải trả giá cho cái sự xúc phạm thần linh! Đau
thay, lời nguyền rủa từ cái miệng người ác độc ấy lại thành sự thật.
Mẹ mang thai, trở dạ đẻ ngay trên đê. Mấy người đàn bà đi bán cá về
quây tròn xung quanh, xúm vào đỡ đẻ. Họ hà hơi cho mẹ, họ nhét vào
miệng mẹ nắm lá thuốc lấy sức.
Thai đôi. Đứa bé đầu tiên ai cũng mừng, da trắng, môi hồng, khỏe
mạnh. Rồi đến đứa thứ hai thì họ lặng thinh, sợ hãi. Trên khuôn mặt đứa bé
gái có một vết dài màu đỏ như hình một con rắn. Cả người, da cứ sần sùi,
dặt như vảy rắn.
Quả báo! Quả báo! Vậy là cái tin con của ma rắn nhập vào vợ ông
chuyên bắt rắn trên cái đượng cấm được truyền đi. Không biết họ thêm thắt
hay những lời nói như gió độc khiến ngay ngày hôm sau những người dân
biển kéo đến, tay lăm lăm gậy đứng giữa cửa nhà: Ông phải mang ngay lễ
ra đượng Ma què tạ tội, rồi mang đứa con của thần rắn đặt trên đượng để trả
lại thần. Không thì dân làng sẽ không ai được yên.