và sắm hai chiếc áo ấm cho mùa đông tới. Nhìn các em rách rưới, lòng anh
cũng lạnh giá lắm.
Sáng hôm sau, đợi Sò về. Mượn xe máy của anh trai, hai anh em lên
phố chơi. Ở chợ, trong quán rượu, Liều gặp một ông già người Dao, người
cùng làng nhưng lang thang trên phố bán dao lâu rồi. Ông trêu Liều. Mày
lên phố tìm vợ à? Cẩn thận nhé. Nếu không lại cưới được đứa vợ áo trắng!
Liều giật mình. Vợ áo trắng là sao? Ông già mỉm cười. “Là đứa người
ngoại tộc. Không biết trồng lanh xe sợi. Không biết nhuộm vải. Không biết
thêu thùa. Chỉ biết đem tiền của chồng lên chợ mua quần áo đẹp mà mặc.
Những đứa ấy, nếu không tự may quần áo mặc, thì chết đi, thần linh cũng
không nhận. Nếu muốn được tổ tiên tha thứ, thì khi chết, phải mặc nguyên
đồ trắng và chôn theo một ít lá chàm”.
Liều thấy tóc gáy mình dựng ngược lên. Và có cơn gió rất lạnh tạt qua
mang tai. Liều nhớ đến người đàn bà áo trắng bên suối. Mẹ Liều mất khi
Liều bảy tuổi. Thằng Sò có năm tuổi. Nên kí ức về mẹ mù mờ lắm. Mấy
năm sau ngày mẹ mất, thì bố Liều cũng mất. Bố chết vì đi đám giỗ về qua
suối lũ, cái chân, cái tay đều say rồi, không bơi được, bị lũ cuốn đi. Đến
bây giờ cũng chả ai biết bố ở đâu.
Về đến nhà đã lưng chiều, thấy anh trai đang ngồi hút thuốc, Liều
chạy lại hỏi. Anh ơi, hồi mẹ chúng ta mất, mẹ mặc áo gì? Anh cả nhìn Liều
một lúc như cố nhớ rồi nói. Mẹ chỉ được mặc áo trắng thôi. Mẹ là người
Tày mà. Chứ không được mặc lồng ra ngoài bộ quần áo chàm nữa như
những người đàn bà Dao bình thường khác vẫn mặc khi chết. Liều hỏi tiếp.
Thế nhà ta đã cúng chay cho mẹ chưa? Anh cả lắc đầu. Chưa em ạ. Cả bố
và mẹ chúng ta đều chưa được cúng chay. Nghĩa là, chưa ai được giải thoát
khỏi ngục tối. Cũng chưa ai được tắm thơm, được phục sức và đưa về quê
cũ Dương Châu. Anh cũng muốn làm lắm chứ. Nhưng chưa thấy bố mẹ báo
mộng gì cả nên cũng không dám nhờ thầy tào chọn ngày.