thâu đêm mùa lạnh để trốn rét bởi bệnh phong hàn khiến chân tay đau
nhức.
Thấp thoáng cái dáng tất tả sớm tinh mơ kẽo kẹt vừa đi vừa nhún một
bên thúng là tôi, còn bên kia là cả một chồng bánh cao gần hết dây. Bà
nhún bước chân nhanh hơn, cái thúng tôi ngồi thi thoảng lại chùng xuống,
quệt lên cỏ, khiến những giọt sương mới xuống còn ướt ở ngọn quệt lên má
tôi lành lạnh. Rồi tiếng bà thở dài. Sau những tiếng thở ấy, luôn là một ước
ao.
Một cái ước ao hết sức bình dị như bao ước ao của các bà mẹ khác, đó
là, giá mà bác Dệu mày về mà lấy cái con bé Thương thì tốt quá. Câu
chuyện về cô Thương luôn khiến gương mặt bà rạng rỡ. Bà bảo, hồi ấy,
người ta cấm các ông đồ dạy chữ Tàu, với lại có trường học rồi không ai
còn học chữ Tàu nữa, nhà ông Thíu có nghề bật bông, bà gửi bác Dệu sang
đấy học, nhà người ta có chữ, lại có cô con gái nết na, gần gũi người ta mà
học cái lễ cái nghĩa, hai đứa được ông đồ dạy chữ, thi thoảng cũng đối đáp
thơ văn với nhau như Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên ấy, chỉ tiếc
chúng nó còn trẻ con, lúc bác Dệu chuẩn bị đi bộ đội, bà nhướm hỏi, thì bác
bảo để đi đánh giặc về đã, mới có mười bảy tuổi, vợ con gì.
Bà cũng chẳng dám hỏi nó với con bé Thương có quý mến nhau
không, nhưng hôm bác Dệu đi, thấy con bé đưa cho quyển sách, bảo ông đồ
cho, mang đi mà đọc dọc đường cho đỡ buồn, thấy con bé bảo bố em quý
anh lắm mới cho đấy...
Tôi lặng thinh, lắng nghe kí ức về bà vọng từ quá khứ như sợ chỉ cần
khẽ cử động thôi, nó sẽ biến mất dù ngày xưa bà kể đi kể lại cả trăm lần.
Kể cho đỡ nhạt miệng chứ cũng chẳng cần biết tôi có nghe không.
Những gì liên quan đến cô Thương bà đều quan tâm như thể cô đã là
con dâu của bà. Khi dắt tôi đi chợ bà chỉ cái lều ngay sát cổng bảo, ông đồ
Thíu hay ngồi chỗ này này, từ hồi ông ấy chết, bà đồ cũng không đi chợ