nữa, già cả rồi. Con bé Thương lấy chồng trên tỉnh, thi thoảng dắt con về
chơi, bà cứ ước giá đứa bé kia là cháu bà, nhìn hai mẹ con nó đi ngoài
đường mà bà nhớ bác Dệu đứt ruột con ạ. Thì bà có cháu đây còn gì...
Tôi vừa nói vừa bước ra khỏi thúng khi bà đã hạ quang gánh xuống.
Bà vừa lấy chổi xể ra quét chỗ ngồi vừa nói, vẫn cái giọng chẳng phải cho
tôi nghe. Người ta con đàn cháu đống, bà đẻ cả chục bận nuôi được hai đứa
lớn lên thì lại mất một đứa vì bom với đạn, còn cái con mẹ mày, bà bảo đẻ
cho bà vài đứa cháu bà nuôi thì cứ dùn dắng mãi mới chịu đi bước nữa mà
đẻ thêm có mỗi một đứa, mai này mày lớn lên, lấy chồng đẻ cho bà một
đàn chắt nhá, bà chỉ thích đông con đông cháu thôi.
Tôi bảo, mẹ cháu chỉ được đẻ hai đứa thôi bà ạ, đẻ nhiều người ta đuổi
việc đấy. Bà cười nói, bà biết rồi, cũng tại mẹ mày nghe bác Dệu, bác Dệu
muốn mẹ mày lớn lên phải làm cô giáo, về làng mà dạy chữ cho người ta,
vậy nên sống chết gì cũng đòi đi dạy học cho bằng được. Năm mẹ mày tốt
nghiệp lớp mười, người ta về tận trường tuyển tiếp viên hàng không, cả xã
có mỗi mẹ mày đủ tiêu chuẩn, vậy mà nhất định không đi, đòi đi học sư
phạm để dạy học cơ.
Rồi lúc học xong sư phạm, người ta giữ lại trường để học tiếp rồi còn
định cho đi Liên Xô học nhưng mẹ mày cũng không đi, cứ khăng khăng là
anh Dệu bảo con phải về làng dạy học thì con về, anh ấy mất rồi, có mỗi cái
ước mơ ấy mà con không làm được cho anh con vui thì còn ra làm sao…
Đấy, mẹ mày nói vậy thì bà đành chịu chứ biết làm sao. Mà bà cũng
biết thừa, cái đêm trước hôm bác Dệu đi, hai anh em nó ngồi xay cho bà cối
bột ngoài sân giếng, thằng anh bảo con em rằng thì nhà có hai anh em, bố
lại đi suốt, anh đi rồi, em ở nhà chăm lo cho bố mẹ, cả làng chả ai hiếm con
như mẹ, giờ còn khỏe chứ ít nữa có tuổi mà con cháu không ở gần thì tủi
thân lắm. Em cố gắng học rồi làm cô giáo, về làng mà dạy học cho gần bố
mẹ rồi mai này chăm sóc bố mẹ nữa, chứ anh đi bộ đội chẳng nói trước
được gì, trong Nam đang đánh nhau ác liệt lắm…